Quốc tế

CEO United Airlines điều trần tại quốc hội Mỹ sau vụ kéo lê khách

CEO hãng United Airlines, ông Oscar Munoz đã xin lỗi về vụ hành khách gốc Việt David Dao bị lôi khỏi máy bay tại phiên điều trần quốc hội hôm 2/5.

Các nhà lập pháp đã chỉ trích gay gắt và yêu cầu các lãnh đạo hãng hàng không United Airlines giải thích về vụ việc xảy ra trong tháng 4.
Phát biểu bắt đầu phiên điều trần, Chủ tịch Ủy ban Giao thông Vận tải và Cơ sở Hạ tầng Hạ viện Mỹ Bill Shuster cho biết quốc hội sẽ có biện pháp nếu United Airlines không có hành động cụ thể. Ông Shuster cho rằng hãng hàng không này nợ công chúng câu trả lời, theo tin tức trên báo Người lao động.

Oscar Munoz, Giám đốc Điều hành của United Airlines trong phiên điều trần. Ảnh: AP

“Đây là một bước ngoặt đối với hãng United Airlines. Nhiệm vụ của tôi là đảm bảo thực hiện những thay đổi cần thiết để cung cấp cho khách hàng dịch vụ tốt nhất và sự tôn trọng nhiều nhất... Hơn hết, chúng tôi sẽ dùng hành động để chứng minh điều đó” - ông Munoz cho biết.

Ông Munoz một lần nữa xin lỗi và cam kết chịu trách nhiệm. Trước đó, dư luận phẫn nộ khi thấy hình ảnh hành khách gốc Việt David Dao, 69 tuổi, bị kéo khỏi chuyến bay từ sân bay Chicago hôm 9/4 để nhường chỗ cho các thành viên phi hành đoàn.

Theo ông Munoz “Nhân viên của United Airlines đã không có đủ thẩm quyền để thực hiện điều được cho là đúng hoặc theo suy nghĩ chung. Đây là một bước ngoặt đối với 87.000 nhân viên của United Airlines”, báo VOV đưa tin.

Munoz là 1 trong 5 lãnh đạo của các hãng hàng không giá rẻ Mỹ phải xuất hiên trước phiên điều trần của Ủy ban Giao thông vận tải của Hạ viện Mỹ. Các lãnh đạo khác bao gồm Chủ tịch United Airlines Scott Kirby và một số quan chức của American Airlines, Southwest, và Alaska. Một tư vấn viên hàng không từ Liên minh người tiêu dùng cũng có mặt tại phiên điều trần. 

Chủ tịch ủy ban Bill Shuster cho biết “Quốc hội sẽ không ngần ngại hành động khi người tiêu dùng, các cử tri, không được đối xử theo cách mà họ đáng được nhận”. 

 

William McGee, đại diện của Liên minh người tiêu dùng cho rằng hành khách không bao giờ đáng bị va chạm trái với ý nguyện của họ. Theo ông McGee “Điều cần thay đổi đó là tất cả các hành khách bị từ chối lên máy bay phải dựa trên sự tình nguyện. Hãng hàng phải trả các chi phí bồi thường cần thiết đề thuyết phục hành khách sẵn sàng nhường chỗ của mình”. 

Hãng hàng không Southwest tuần trước đã thông báo đã dừng việc cho phép đặt chỗ nhiều hơn so với số ghế trên máy bay. Lãnh đạo Dân chủ của Ủy ban Giao thông vận tải của Hạ viện Mỹ Peter DeFazio cũng kêu gọi các hãng hàng không khác thực hiện chính sách mới của Southwest.

Nên đọc
Hồng Hà (Tổng hợp theo báo Người lao động, VOV)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo