CEO Vietnam Airlines: 'Chúng tôi không chạy theo phi công'
Cho biết sẽ điều chỉnh lương cho 600 phi công từ quý I/2015, song ông Phạm Ngọc Minh khẳng định việc làm này được thực hiện theo lộ trình, không phải do sức ép từ đợt "lãn công" vừa qua.
Trao đổi với báo chí chiều 12/1, sau vụ báo ốm hàng loạt và xin nghỉ việc của phi công, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) - Phạm Ngọc Minh cho biết tình trạng này đã rải rác trong năm 2014.
Tuy nhiên, hiện tượng bất thường diễn ra từ 5/1 vừa qua, khi có tổng cộng 117 lượt phi công báo ốm, chiếm 90% nhân lực ở đội bay Airbus. Sau đó, 9 người có đơn xin nghỉ việc. Trong số phi công báo ốm chỉ có 10 trường hợp có chứng nhận cơ quan y tế. Cao điểm có những ngày ghi nhận 7-8 chuyến bay có phi công báo ốm. Vietnam Airlines đã huy động lực lượng dự bị có sẵn để đáp ứng yêu cầu.
Ông Minh cho biết sau khi thấy phi công báo ốm hàng loạt tăng bất thường, ngày 5/1, Vietnam Airlines đã họp khẩn cấp, đánh giá đây là hiện tượng không chỉ xáo trộn lịch bay mà còn ảnh hưởng đội ngũ đang tác nghiệp. "Đây cũng không đơn lẻ là việc làm cá nhân mà là hiện tượng lãn công tập thể, thông qua báo ốm. Nếu không xử lý sẽ tái diễn vào các dịp cao điểm khác", vị này nhấn mạnh.
Trả lời về việc ngăn chặn phi công chuyển việc có thể vi phạm Luật Lao động, ông Minh cho biết là hãng hàng không quốc gia, Vietnam Airlines đã báo cáo cơ quan quản lý để có biện pháp để hạn chế. Các cơ quan này sẽ có chỉ đạo, nhằm dừng sự việc phi công xin nghỉ bất thường. Trong thời gian đó, các văn bản pháp luật để tạo hành lang pháp lý cũng sẽ được xây dựng. "Thực tế là sau khi có chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, nhiều phi công đã trở lại làm việc", ông nói.
Đại diện Vietnam Airlines cũng cho biết thêm, đã có một số hãng hàng không quốc gia trên thế giới lâm vào tình trạng này và đều có sự can thiệp của Chính phủ. Cụ thể, Trung Quốc đã yêu cầu các hãng hàng không không đàm phán với Nghiệp đoàn phi công trong nước. Sau đó, nhiều phi công đã trở lại làm việc.
Cũng theo ông Minh, từ giữa năm 2014, lãnh đạo Tổng công ty đã dự báo nguy cơ này với Bộ trưởng Giao thông Vận tải và có phương án điều chỉnh thu nhập để đáp ứng đặc thù, hoàn tất trong quý I năm nay.
Đề cập việc tăng lương cho phi công, ông Phạm Ngọc Minh khẳng định: "Chúng tôi không có chủ trương khi phi công nêu giá thì mình phải chạy theo. Chúng tôi điều chỉnh theo lộ trình đã cam kết". Do đó, 600 phi công của hãng sẽ được điều chỉnh, không chỉ cho số điều khiển tàu bay Airbus.
Lãnh đạo hãng cũng cam kết tăng lương từ tháng này theo lộ trình. Theo đó, tiền lương cơ trưởng lái Boeing 777 sẽ từ 163 triệu đồng đến 203 triệu đồng; máy bay A321 từ 142 triệu đến 183 triệu đồng mỗi tháng. Nửa cuối năm, mức lương tương ứng là 217 và 158-198 triệu đồng. Lương phi công nước ngoài của Vietnam Airlines tương ứng là 10.000-12.000 USD/tháng.
"Nguyên tắc của chúng tôi là cộng dồn các khoản, mức thu nhập sẽ tăng lên chứ không giảm", ông Minh nói.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, hiện chi phí nhân công của hãng chiếm 8% tổng chi phí hoạt động, trong khi mặt bằng trong khu vực khoảng 12%. Các hãng như Tuskish Airlines đang trả lương cho phi công 12.000 USD, hãng Asiana Airlines là 10.500 USD, Jetstar Singapore là 12.633 USD.
Theo VnExpress
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Cột tin quảng cáo