Cha bỏ, mẹ bán vé số phận con mong manh
Người chúng tôi nhắc tới đó là cô bé Nguyễn Thị Cầm Thư (11 tuổi ở trọ tại nhà trọ Thanh Phụng, khóm Hòa Khánh, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) bị bệnh ung thư máu. Cha mẹ em đã không sống cùng nhau cách đây 3 năm, một mình chị Lê Thị Mộng Thu nuôi hai đứa con nhỏ. Khi chia tay chồng chị đang mang trong mình đứa con thứ 2.
Thời gian qua, hai đứa con đã tiếp thêm sức mạnh, nghị lực để chị cố gắng từng ngày. Từ khi em Nguyễn Thị Cầm Thư mắc bệnh ung thư máu, chị luôn sống trong lo âu và sợ hãi. Chính bản thân chị cũng không biết mình sẽ giúp con được đến ngày nào.
Bé Thư ngay từ nhỏ đã hay ốm yếu vì căn bệnh hen suyễn hành hạ. Trong một lần bé bệnh ngất xỉu phải nhập viện và bác sĩ đã phát hiện ra căn bệnh ung thư máu.
Cầm Thư nhập viện từ đâu, gia đình em gặp khó từ đó. Ba mẹ con chia hai ngả, hai mẹ con chị Thu ở bệnh viện còn đứa con thứ 2 chị phải nhờ người thân chăm sóc.
Thời gian đầu còn nhờ sự hỗ trợ của người thân, bạn bè giúp đỡ và những khoản tiền vay mượn nho nhỏ.
Trước đây, hằng ngày chị Thu đi bán vé số, ba mẹ con thuê phòng trọ để sống. Ngoài thời gian đi bán vé số chị tranh thủ giặt quần áo, hoặc dọn nhà kiếm thêm mấy chục ngàn để lo cho con. Với khoản thu nhập ít ỏi đó, chị cũng phải chắt chiu, tiết kiệm từng đồng mới đảm bảo cuộc sống. Khi con bệnh chị phải chăm sóc con trong bệnh viện không kiếm ra tiền nên càng ngày càng khó khăn.
Chia sẻ với chúng tôi chị Thu phải thốt lên: “Xin hãy cứu con em. Em đã bó tay rồi không biết làm cách nào để có tiền cho cháu chữa bệnh nữa. Nó là đứa con gái lớn trong nhà, em mong nó lớn từng ngày để có thể giúp cho mình. Nào ngờ giờ nó lại mắc căn bệnh hiểm em không thể giúp được nó. Nhà có ba mẹ con, em là lao động chính miếng cơm manh áo hằng ngày do em lo. Giờ cháu lớn bị bệnh, cháu bé phải nhờ người nuôi em không thể làm được việc gì làm sao có tiền. Cuộc sống của ba mẹ con vốn đã khổ đã thiếu thốn đủ thứ nay lại càng bi đát hơn”.
Cùng góp lời với chúng tôi chị Lan người nhà bệnh nhân cùng phòng nói: “Chúng tôi đã khổ, cô này còn khổ hơn, tôi có gia đình hỗ trợ còn thiếu thốn đủ đường. Mẹ con ở đây ngày xin hai bữa cơm thì giải quyết được khâu ăn uống, còn tiền thuốc men thì ai cho. Ở đây, chúng tôi biết nhau cả đấy nhưng chỉ giúp nhau được những việc vặt như xin cơm hay trông con một lúc thì được chứ tiền bạc thì không có”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo