Chân lý đã bước đầu được đi bằng chính đôi chân của nó
Chân lý đã bước đầu được đi bằng chính đôi chân của nó
Đúng 15 năm sau sự kiện Thái Bình, Tiên Lãng cũng hoàn toàn xứng đáng trở thành một sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, đậm đà ý nghĩa về xã hội và cả chính trị.
Chân lý đã bước đầu được đi bằng chính đôi chân của nó. Nếu như trước Tết Nhâm Thìn, vẫn còn quá nhiều người hoài nghi về một chuyển biến nhân sự tại "Ô Khảm thứ hai" này, thì dường như những ngày đầu năm mới đã chứng thực cho chữ "Vượng" trong khí sắc cất cánh của Rồng.
Vào những ngày Tết, trong khi cả gia đình của Đoàn Văn Vươn còn phải o ép trong không gian quá đỗi chật hẹp của một cái lều mà chỉ chực sụp đổ bởi bão táp phong ba bên ngoài, thì đã xuất hiện những thông tin không chính thức (tất nhiên là không thể chính thức) về một tương lai ngắn hạn u tối dành cho những lãnh đạo cao nhất của huyện Tiên Lãng.
Với mọi người dân xã Vinh Quang, điều không thể tin lại đã được nhìn thấy. Chân lý cũng vì thế mà, sau nhiều năm gian truân, đã giành được một chút công lý khi tin đồn được xác nghiệm.
Chúng ta hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người dân ở cái xã nhỏ bé thì mới cảm thông được niềm vui tràn đầy của bà con đến thế nào: còn mừng hơn, hơn nhiều so với không khí Tết.
Ai thách thức "Sự tồn vong của chế độ"?
Nhưng như thế đã đủ chưa, đủ cho điều được gọi là tự phê bình hay tự sửa sai từ thâm sâu trong lòng Đảng?
15 năm trước, Quỳnh Phụ chỉ là một huyện của Thái Bình, và Thái Bình chỉ là một tỉnh của Việt Nam. Còn giờ đây, cứ nhìn vào Tiên Lãng, người ta lại nhận ra rất nhiều nét quen thuộc đang xảy ra ở ba miền Bắc - Trung - Nam, từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Tĩnh, đến Đà Nẵng, Bình Thuận, TP.HCM, Tiền Giang, An Giang...
Tiên Lãng đã không còn đơn thuần là một đơn vị hành chính nhỏ hẹp trên bản đồ quốc gia. Còn hơn cả Quỳnh Phụ, địa danh này đã đi vào lịch sử của tất cả những kết tụ về bức xúc, bất mãn, phản ứng, xung đột và cuối cùng là bạo động về đất đai - lời kết không tránh khỏi của ít nhất 4.000 vụ khiếu kiện tập thể trong hơn 6 năm qua tại nhiều địa phương ở đất nước ta.
Sự tồn vong của chế độ" - như một lưu tâm đặc biệt của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - cũng khởi phát từ chính cái hiện trạng mà nếu không được cải hóa kịp thời, có thể sẽ làm đổi thay những gì tưởng chừng không thể thay đổi.
Một sự trùng hợp về thời gian đã diễn ra: lời cảnh báo của Tổng bí thư đã được dẫn chứng ngay sau đó, bởi vụ việc Đoàn Văn Vươn cùng không ít sự việc chưa hề có tiền lệ.
Vào lúc bình thường sóng êm bể lặng, con thuyền vẫn giữ thói quen dập dìu bình thản của nó mà chưa thật sự phải chịu cơn thử thách. Nhưng "quả bom" Đoàn Văn Vươn" đã xoay chuyển toàn bộ tình thế, làm cho bầu không khí xã hội và cả không khí chính trị bừng tỉnh khỏi cơn buồn ngủ ban ngày. Ngay sau "sự tồn vong của chế độ" là động thái can thiệp của những cấp cao nhất trong Bộ Chính trị và Chính phủ - hành động được toàn dân mong ngóng, mà hầu mong có thể làm nhụt bớt ý chí của các nhóm lợi ích.
Những "công bộc của dân" vì thế cũng đã từ lâu vượt quá xa thiên chức của mình. "Sự tồn vong của chế độ" chỉ có thể được giải quyết dứt khoát bằng biện pháp con người, thay cho lý do cơ chế mà luôn dẫn đến hệ quả "chỉnh đốn" mãi vẫn chưa xong.
Bài học Thái Bình: Nhân sự Tiên Lãng hay nhân sự Hải Phòng?
Trong sự kiện Thái Bình, hàng ngàn đảng viên và cán bộ đã bị kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau, do đó mới tạo yên dân và làm chậm lại những gì mà lẽ ra đã phải xảy ra sớm hơn.
Tương tự với trường hợp Thái Bình, Tiên Lãng chỉ là một cấp hành chính nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp cao hơn: Đảng bộ và UBND thành phố Hải Phòng.
Đó cũng là lý do vì sao khá tương đồng với những tin tức không chính thức trong Tết âm lịch vừa qua, vào những ngày trước khi diễn ra cuộc họp của Thủ tướng, một cuộc họp có tính quyết định về "sinh mệnh chính trị" đối với nhiều cán bộ chủ chốt của Hải Phòng, lại đã xuất hiện những thông tin không chính thức khác.
Theo logic của hoạt động phân cấp quản lý về hành chính, thông tin đó cũng đang hướng tới những thay đổi đáng kể về nhân sự, không chỉ là nhân sự của huyện Tiên Lãng mà còn liên quan đến cả những người có chức vụ cao của thành phố Hoa phượng đỏ.
Lẽ dĩ nhiên, thông tin cuối cùng phải thuộc về quyết định sau cùng của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng ngẫm cho cùng, những thông tin không chính thức, dù có đúng hay không, cũng vẫn biểu hiện vô vàn tình cảm mong mỏi của người dân đối với hành động của Đảng và Nhà nước - như một biểu hiện thực chất đối với tiêu ngữ "Lấy dân làm gốc".
Và trên hết, để chân lý được gần gũi với công lý hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo