Chàng trai ngồi xe lăn bán hàng rong mong được hiến tạng
35 năm nằm một chỗ
Chúng tôi gặp anh Đinh Quốc Tuấn trong căn nhà nhỏ anh trọ trên phố Khâm Thiên (Hà Nội). Bệnh tật hành hạ khiến anh già hơn nhiều so với tuổi thật. Anh nằm co quắp trên giường.
Đọc được suy nghĩ của chúng tôi là tưởng mình đang đau, anh lên tiếng ngay: “Tôi bị liệt cơ bẩm sinh nên thế, các cơ không giống người thường, biểu hiện lạ vậy nhưng khỏe thôi”. Đôi tai anh cũng bị ảnh hưởng, khi nói chuyện phải nói to. Không chỉ vậy, người đàn ông tội nghiệp này phát âm rất chậm, tiếng méo xệch, rất khó để hiểu.
Là con cả trong gia đình nhưng số phận đã không cho anh làm một con người hoàn chỉnh. Lớn lên, cơ thể anh teo tóp dần rồi liệt hẳn. Mong con khỏe mạnh để bằng bạn bằng bè, tất cả tiền bạc, tài sản bố mẹ đều vắt kiệt để lấy tiền chữa trị cho con nhưng mọi thứ không có gì tiến triển.
Ông Đinh Quang Minh (bố anh Tuấn) cho biết: “Ngày vợ mang bầu đứa con đầu lòng, tôi vui mừng khôn tả. Trong thâm tâm, chưa bao giờ tôi nghĩ con mình sinh ra lại không được lành lặn như bao người”.
Ngày ấy, để giữ được mạng sống cho cậu con trai tội nghiệp, ông và vợ chạy vạy vay tiền ngân hàng, họ hàng hai bên được hơn 30 triệu đồng. Ông bà gồng mình đưa con đi chữa trị ở không ít bệnh viện, cầu mong có một chút hi vọng đến với con.
Nhưng rồi các bác sỹ của Bệnh viện Nhi Trung ương kết luận: Anh Tuấn bị liệt cột sống, không có khả năng phục hồi. Không có từ nào có thể diễn tả được nỗi đau của ông bà khi đó. Không còn cách nào khác, ông bà quyết định đưa con về chăm sóc tại nhà. Trong thâm tâm, họ vẫn cầu mong một phép màu, vào một ngày nào đó con mình sẽ khỏi bệnh.
Bị ám ảnh, phải mất một thời gian dài sau, ông bà mới quyết định sinh thêm. Ngày vợ mang bầu lần hai, ông vừa vui, vừa lo nhưng ông không nói với vợ vì sợ vợ đau buồn thêm. Sau này, ông mới biết, vợ mình cũng có chung tâm lý như vậy nhưng không dám nói ra!.
Mong được hiến nội tạng cho y học
Lớn lên, anh Tuấn không thể đi học, không thể tự làm những việc muốn làm, ngay cả việc hòa nhập cuộc sống với gia đình cũng bất lực. Nhiều lần anh đã có ý định kết thúc cuộc đời cho người thân đỡ khổ. Mẹ anh cũng đã khóc cạn nước mắt vì con. Các thành viên trong gia đình thay phiên nhau chăm sóc anh. Nhiều khi họ phải trói tay anh lại để anh không tìm đến cái chết.
“Bậc làm cha làm mẹ, nhìn con đau đớn, chúng tôi chỉ ước mình có thể chịu thay. Thân thể què quặt nhưng đầu óc cháu hoàn toàn bình thường. Không có nỗi khổ nào bằng việc đầu óc tỉnh táo nhưng bất lực về hành động”, bà Thành (mẹ anh Tuấn) chia sẻ.
“Hồi ấy, tôi đau lắm. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, tôi phải uống hai liều thuốc ngủ loại nặng để ngủ thiếp đi, quên cơn đau. Thời gian đầu, thuốc còn có tác dụng, về sau dù có uống thuốc nhưng cả đêm tôi vẫn thức trắng. Lúc đó, tôi chỉ muốn chết đi, mong muốn được hiến nội tạng cho y học”, anh Tuấn bộc bạch.
Thấy bệnh con trai nặng thêm, bố mẹ đưa anh lên Bệnh viện Tâm thần Hà Nội khám. Tại đây, các bác sỹ cho anh uống thuốc mê để chụp não. Uống đến 3 liều thuốc mê vẫn không có tác dụng, anh vẫn tỉnh như sáo.
Các bác sỹ đều lấy làm lạ, trước giờ họ chưa gặp một bệnh nhân nào đặc biệt như vậy. May mắn khi anh được đích thân Giám đốc bệnh viện khám. Sau một hồi bắt mạch, hỏi han biểu hiện, bác sỹ kê cho anh thuốc giãn cơ.
Thương cảm với hoàn cảnh của anh, Bệnh viện đã tài trợ thuốc miễn phí. Sau 1 năm ròng rã uống thuốc, anh đã cắt được cơn co giật, ăn, ngủ điều độ nên sức khỏe tiến triển tốt hơn.
Cách đây 4 năm, anh Tuấn ngỏ lời với bố mẹ cho mình được sống tự lập. Thấy cậu con trai trước giờ nằm một chỗ, vệ sinh cũng cần người nhà giúp có ý định chuyển ra sống riêng, cả gia đình ai cũng ngạc nhiên. Họ không nghĩ anh có thể tự lo liệu được cuộc sống. "Mưa dần thấm lâu", anh Tuấn kiên trì giải thích cho bố mẹ hiểu mong ước được sống tự lập của bản thân.
Anh bắt đầu đăng ký tham gia các câu lạc bộ dành cho người khuyết tật ở Hà Nội. Dần dần, anh quen với các bạn sinh viên tình nguyện. Họ thương cảm, giúp đỡ anh việc nhà, vệ sinh cá nhân.
Hiện tại, hằng ngày anh đi bán hàng rong trên chiếc xe lăn, thu nhập không nhiều nhưng đủ để anh trang trải cuộc sống. Anh vẫn ấp ủ ý định hiến tạng cho những người cần khi sức khỏe của mình yếu đi.
Chia sẻ về quyết định hiến nội tạng của con trai, ông Minh cho hay, ban đầu cả nhà vừa ngạc nhiên, vừa thương xót. Bệnh tật hành hạ, Tuấn không được lành lặn về hình thức nhưng lại có tâm hồn nhân hậu, vị tha sâu sắc. Gia đình đã đồng tình với quyết định của anh. Bố mẹ Tuấn cũng rất mừng khi thấy con trai biết yêu thương, quan tâm đến những người khuyết tật khác.
Cần huy động sự ủng hộ của cộng đồng
GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: Nguồn tạng tại Việt Nam rất dồi dào, chứ không phải khan hiếm. Tuy nhiên, do chúng ta chưa biết huy động, nên nguồn tạng hiện nay mới chỉ đáp ứng 10 - 20% nhu cầu của người cần ghép tạng. Hiện nay cả nước chỉ thực hiện khoảng 1.200 ca ghép tạng, nhưng nhu cầu người cần ghép tạng lên đến gần 10.000 người và hàng nghìn người khác đang chờ đợi. Do đó, để có đủ nguồn tạng, rất cần sự chung tay, góp sức của các tổ chức xã hội, cơ quan chức năng, chức sắc tôn giáo... trong việc giúp người dân hiểu được ý nghĩa của việc hiến mô tạng. Đặc biệt, các nhà khoa học cần nghiên cứu, tìm tòi, cập nhật những kỹ thuật mới trên thế giới nhằm giúp cho việc ghép tạng ở Việt Nam phát triển hơn nữa. Bộ Y tế đã tham mưu xây dựng hành lang pháp lý và ban hành quy định nhằm giúp các nhà khoa học yên tâm làm tốt chuyên môn trong lĩnh vực ghép tạng. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo