Tin tức - Sự kiện

Chàng trai trẻ ngày đi cắt tóc, tối "chạy thận"

23 tuổi cái tuổi đẹp nhất của đời người nhưng thay vì hăng say lao động với đam mê của mình, Đạt phải sống nhờ vào những viên thuốc, máy móc, dịch truyền. Chỉ cần rời chúng ra là tính mạng Đạt sẽ nguy kịch.

Chàng thanh niên có hoàn cảnh đáng thương mà chúng tôi muốn nhắc đến là em Nguyễn Thành Đạt, SN 1992 ở xóm Đình, thôn Đặng Xá, xã Vạn Điểm, Thường Tín (Hà Nội).
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, cuộc sống của cả gia đình chủ yếu dựa vào thu nhập từ ít sào ruộng khoán mùa được mùa mất. Sau khi tốt nghiệp THCS vì điều kiện gia đình, Đạt phải nghỉ học. Sau đó Đạt xin đi học nghề làm tóc. Sau hai năm miệt mài chăm chỉ, cuối cùng Đạt về làm thợ chính ở một tiệm cắt tóc.
Những tưởng có thể làm việc giúp đỡ bố mẹ thường xuyên đau ốm ở quê dù đồng lương vô cùng eo hẹp. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, Đạt bắt đầu có những biểu hiện đau thắt ngực, mệt mỏi. Vì hoàn cảnh và cũng vì nghĩ sức thanh niên đang khỏe mạnh, những dấu hiệu ấy chỉ bình thường nên Đạt không đi khám.
Tháng 9/ 2014, một bên mặt của Đạt bị sưng do quai bị. Uống thuốc rồi đắp cao theo lời mách bảo của mọi người không đỡ. Khi mặt phù quá to, không thể ăn uống được gì, Đạt mới xin nghỉ làm vào BV Bạch Mai khám. Làm các xét nghiệm, thử máu, Đạt đau đớn khi các bác sĩ cho biết đã bị suy thận độ 4.
Ngay sau đó, các bác sỹ chỉ định cho Đạt phải chạy thận cấp, lọc máu liên tục. Giờ mỗi tuần Đạt phải vào viện chạy thận 3 lần, chi phí hàng tháng khoảng 5-6 triệu đồng. 23 tuổi cái tuổi đẹp nhất của đời người nhưng thay vì hăng say lao động với đam mê của mình, Đạt phải sống nhờ vào những viên thuốc, máy móc, dịch truyền. Chỉ cần rời chúng ra là tính mạng Đạt sẽ nguy kịch.

Hai bố con Đạt lo lắng không biết có thể duy trì việc chạy thận được đến bao giờ nếu không còn tiền.
Hai bố con Đạt lo lắng không biết có thể duy trì việc chạy thận được đến bao giờ nếu không còn tiền.

Nhìn cảnh người đàn ông gầy gò, đen đúa ngồi bên cậu con trai gầy yếu đang phải chạy thận với khuôn mặt bần thần, mệt mỏi và tuyệt vọng, chúng tôi không ai có thể cầm được nước mắt.
Từng ngày, ông nhìn con héo hon mà vẫn nhắc đến việc khi nào con trai khỏi bệnh để thực hiện hoài bão thành một “cây kéo vàng” trong ngành tóc, lòng ông Nguyễn Văn Hải - bố Đạt lại đau như cắt. Gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng, trong khi với phác đồ điều trị của bác sỹ thì tiền thuốc điều trị trong mấy tháng qua cũng đã quá nhiều. Mọi khoản tiền dành dụm của vợ chồng ông đã hết. Để chạy chữa cho con, nơi nào vay được ông cũng đã "cầu cứu". Thương hoàn cảnh gia đình Đạt, anh em bạn bè, bà con lối xóm đã giúp đỡ động viên phần nào để Đạt vượt qua những khó khăn trước mắt.
Bởi vậy, dù sức khỏe yếu nhưng Đạt hàng ngày vẫn đi cắt tóc để lấy tiền chữa bệnh. “Tiền đi làm hàng tháng giờ may lắm thì em đủ tiền cho chi phí đi chạy thận. Trung bình mỗi tháng tiền chạy thận và thuốc thang cũng ngót nghét hơn 5 triệu đồng. Trước em có thể làm bất kể ngày đêm nhưng giờ làm chỉ nửa ngày là mệt. Hôm nào trở trời là đau, không ngủ được. Em gần như không ngủ mấy kể từ sau ngày biết mình mắc bệnh” – Đạt thất thần nói.
Được biết, bố của Đạt trước đây trong một lần đi làm ông bị ngã xuống lò tôi vôi bị bỏng toàn thân. Lần đó tưởng ông không qua khỏi, cả gia đình đã chuẩn bị lo hậu sự. May mắn tỉnh lại, nhưng kể từ đó sức khỏe của ông giảm sút và không làm được việc nặng. Mẹ của Đạt bị thoái hóa đa khớp nặng, hàng tháng vẫn phải lên Bệnh viện E để điều trị. Kinh tế gia đình vốn đã khó khăn nay lại càng thêm túng quẫn.
Theo các bác sỹ, hiện tại bệnh viện đang áp dụng phương pháp lọc chạy thận để điều trị cho Đạt. Tuy nhiên tình trạng sức khỏe của Đạt yếu. Để có thể duy trì sự sống cho Đạt cần phải ghép thận nhưng số tiền chi phí gần 800 triệu một con số cả đời bố con Đạt cũng không dám mơ.
Cuộc chiến đấu với bệnh tật của Đạt còn kéo dài và những ngày tiếp theo của Đạt cũng chưa biết phải tính sao khi chi phí chạy thận để giành lại sự sống vô cùng tốn kém. Hoàn cảnh của cha con Đạt rất khó khăn. Mỗi sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn đọc là thêm một cơ hội cho Đạt được tiếp tục điều trị và tiếp tục sống

Nên đọc
Theo Báo Gia đình & Xã hội
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo