Xã hội

Chặt chuyển 1.300 cây xanh sẽ được tính toán chặt chẽ

Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sáng nay, 20/6 cho biết việc chặt chuyển 1.300 cây xanh sẽ được tính toán chặt chẽ.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay: Việc mở rộng và làm đường trên cao tuyến Phạm Văn Đồng (từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long) thuôc Quy hoạch đường Vành đai 3 có từ năm 1995, theo tin tức trên báo Pháp luật TP. HCM.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung . Ảnh ANTĐ

“Khi đã có quy hoạch đáng lẽ ra chúng ta không nên trồng hàng cây vào giữa đường bây giờ chúng ta phải mở. Chúng tôi khảo sát có hơn 1.300, đa số là xà cừ và có những cây giai đoạn trước khi chúng ta làm xong cầu Thăng Long, đường kính từ 80-100cm; còn lại chúng ta chủ yếu trồng mới có đường kính từ 35-40. Những cây trồng mới được được trồng từ suốt những năm 91-94, tức là có độ tuổi khoảng 26-27 tuổi” – ông Chung nói.

Ông Chung cho hay để có phương án với hàng cây xanh tại phố Phạm Văn Đồng, TP đã phải tham khảo rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, người dân và “hoàn toàn nhất trí như các ý kiến cử tri nêu ra là cây nào sẽ để lại, cây nào chúng ta sẽ đánh chuyển, cây nào sẽ chặt hạ”.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, trong việc di dời, chặt hạ 1.300 cây xanh, mục đích cuối cùng phải đảm bảo 3 được yếu tố: phải tính toán sao đạt hiệu quả cao nhất về kinh tế; phải tính toán xem cây xà cừ được đánh chuyển đi có sống được không, hiệu quả đem lại là gì và cuối cùng là giá trị của việc thực hiện chủ trương này ra sao, báo An ninh thủ đô đưa tin. 

“Cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội trong vòng 40 năm qua không được tổ chức cắt tỉa thường xuyên nên hầu hết cây xanh phát triển tự nhiên, cây cong queo, lòe xòe. Từ cuối năm 2015 đến nay, cùng với việc cắt tỉa cây xanh, thành phố cũng đã trồng được gần 350.000 cây xanh, tỷ lệ sống cao với  gần 97%, có những tuyến phố tỷ lệ cây mới trồng sống đến 100%.

Tại mỗi tuyến phố đều có nghiên cứu trồng loại cây gì, kỹ thuật ra sao và đang ứng dụng những gì tốt nhất trên thế giới về kỹ thuật để đảm bảo cây trồng sống cao nhất.” – Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin để cử tri hiểu rõ thêm.

 

Trở lại với bài toán có nên chặt hạ hay di dời 1.300 cây xanh, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định, trên địa bàn thành phố không có tuyến phố nào có thể trồng lại những cây xà cừ 26-27 năm tuổi, đường kính 30-40 cm như vậy được.

 Bởi vì với cây có đường lớn như vậy, khi cây đánh lên đường kính bọc rễ khoảng 3m thì muốn trồng xuống phải đào hố rộng 3,5m, sâu 1-1,5 m, phải cắm cọc chống cây cao khoảng 25m, chống trong vòng 3- 4 năm thì rễ cây mới ăn sâu vào đất, mới sống được.

“Chúng tôi cũng đã nghĩ đến phương án những cây nào mà có thể đánh chuyển được thì tới đây sẽ đem ra các vùng bùng binh ở ngoại thành để trồng, nhưng cũng chỉ trồng một tỷ lệ nhất định chứ không thể trồng hết được số cây nói trên. Còn nếu trồng cây xà cừ trong công viên, không một nước nào trong công viên trồng cây xà cừ cả, mà còn phải trồng hoa, trồng các loại cây khác…” – Chủ tịch UBND TP phân tích. 

“Thành phố hiện nay cũng rất trăn trở, cũng đang cân nhắc, cho khảo sát rất kỹ lưỡng để những cây nào phát triển tốt và đẹp thì cố gắng đánh chuyển, cây nào cong queo không có có giá trị kinh tế và mỹ thuật thì chặt hạ, còn những cây những cây nào không vào tuyến đường thì sẽ để lại. Với số tiền phải chi để đánh chuyển cây, nếu trồng cây mới với đường kính 25-30cm thì chỉ dao động từ 3-3,5 triệu đồng/1 cây, chúng ta hoàn toàn có thể trồng được 15.000 – 18.000 cây” – Chủ tịch thành phố nêu rõ.

Cuối cùng, Chủ tịch UBND TP khẳng định, trong việc di dời, chặt hạ 1.300 cây xanh kể trên, thời gian tới thành phố quyết định như thế nào sẽ công khai trên các báo đài của thành phố. “Chúng tôi cam kết các quyết định đều tính toán chặt chẽ để hướng tới lợi ích cao nhất cho thành phố" – ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

 

Nên đọc
Trân Châu (Tổng hợp theo báo Pháp luật TP. HCM, An ninh thủ đô)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo