Tin tức - Sự kiện

Chất lượng xây dựng: bệnh nan giải

Nghị trường Quốc hội chiều 12-11 bỗng ồn ào lên khi ông Trịnh Đình Dũng - bộ trưởng Bộ Xây dựng - trả lời chất vấn của đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) về những sai phạm tại Tập đoàn Sông Đà.

Những sai phạm tại Tập đoàn Sông Đà đã được Ủy ban Kiểm tra trung ương và Thanh tra Chính phủ chỉ ra, với tổng số tiền vi phạm lên đến 10.676 tỉ đồng.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trả lời rằng chủ tịch Tập đoàn Sông Đà Dương Khánh Toàn không bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật. Thanh tra Chính phủ kết luận số tiền hơn 10.500 tỉ là có vấn đề chưa đúng nguyên tắc chứ không phải là thất thoát.

Ông Tiến hỏi: “Trong ngành xây dựng có bao nhiêu tổng công ty có tình trạng thất thoát, nợ đọng, sai phạm đồng dạng phối cảnh như Tập đoàn Sông Đà” thì ông Dũng đáp: “Câu hỏi của đại biểu thì chúng tôi đã có đầy đủ nhưng đang để ở nhà, chúng tôi mong muốn đại biểu sang để chúng tôi báo cáo”.

Chất lượng xây dựng là bệnh nan giải

Nêu các trường hợp thời sự và cụ thể là đập thủy điện Sông Tranh 2 và tháp truyền hình Nam Định đổ, nhiều đại biểu chất vấn về chất lượng công trình xây dựng và trách nhiệm quản lý ngành của bộ trưởng.

Ông Dũng cho rằng “vấn đề lãng phí, thất thoát không phải hôm nay mà có từ lâu rồi. Đây là bệnh nan giải và rất khó khắc phục triệt để”.

Theo ông, nguyên nhân thứ nhất là do thể chế, chúng ta đang xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa được hoàn thiện. Ví như chúng ta đang phải hoàn thiện Luật đất đai, hàng loạt luật khác như Luật quy hoạch, Luật xây dựng, Luật đấu thầu... còn cần phải sửa đổi lại. Vấn đề kiểm soát chất lượng ở nhiều dự án chưa chặt chẽ, công tác tiền kiểm còn nhiều hạn chế.

Thứ hai là do chất lượng công tác quy hoạch, chất lượng dự án, chất lượng thiết kế, giám sát, thi công đều có nhân tố làm thất thoát. Ví dụ làm cả con đường dài, chỉ khảo sát từng đoạn ngắn, đến khi làm thì gặp đoạn sình lầy, làm xong đường nhanh hỏng.

Thứ ba là thanh tra, kiểm tra chưa tốt. Thứ tư là chất lượng, phẩm chất cán bộ, công chức và những người đầu tư, xây dựng. Thứ năm là thiếu cơ chế để người dân giám sát, thiếu chế tài xử lý mạnh những sai phạm.

Tồn kho bất động sản rất lớn

“Thị trường bất động sản đang ở ngưỡng nguy hiểm, nếu xảy ra đổ vỡ sẽ gây nên hệ lụy rất lớn cho nền kinh tế, nhất là hệ thống ngân hàng. Bộ có giải pháp gì, nếu đổ vỡ xảy ra thì bộ trưởng có kịch bản như thế nào?” - đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) hỏi.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho hay tồn kho bất động sản rất lớn. Nó không chỉ tồn kho theo số liệu mà nó có những tồn kho là sản phẩm dở dang, tức là đã có người mua góp tiền nhưng sản phẩm chưa xong, chủ đầu tư không đủ tiền tiếp tục...

“Thị trường đóng băng trước hết là do các dự án phát triển tự phát, phong trào, thiếu tuân thủ quy hoạch, kế hoạch. Dự án quá nhiều, vượt rất xa so với nhu cầu thực của xã hội, thị trường. Cơ cấu bất động sản bất hợp lý, vừa thừa ở bất động sản cao cấp, trung bình; thiếu ở sản phẩm cho người thu nhập thấp. Bất hợp lý nữa là phát triển dự án dựa trên vốn vay, vốn đóng góp của người mua nhà là chủ yếu. Vì vậy khi tín dụng thắt chặt, lãi suất tăng cao thì dự án không tiếp tục triển khai được” - ông Dũng phân tích.

Bộ trưởng Dũng cho biết tính đến 30-8, không tính các dự án, sản phẩm dở dang nhưng đã có người góp vốn thì số lượng tồn căn hộ chung cư là hơn 16.000, nhà ở thấp tầng hơn 5.000 căn, đất nền hơn 1.624.000 m2, văn phòng trung tâm thương mại là hơn 24.000 m2, tổng giá trị tồn kho là hơn 40.000 tỉ đồng. Tồn kho chủ yếu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo Tuổi Trẻ)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo