Chật vật vì tiền điện
Giá điện “leo thang” đang là chủ đề chính trong câu chuyện của các bà, các chị tại những khu chung cư dành cho người thu nhập thấp ở Hà Nội.
“Tôi vừa mới đi nộp tiền điện, thấy hóa đơn lên tới gần 2 triệu mà xót hết cả ruột”, chị Trần Diệu Thủy, sống tại chung cư Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông) lắc đầu ngao ngán.
Tổng thu nhập của cả hai vợ chồng chị Thủy được hơn 9 triệu đồng, trong khi phải nuôi 2 đứa con đang tuổi đi học. Hai tháng nay điện tăng giá, gia đình chị đã phải tiết giảm chi tiêu trong gia đình. “Phải tính chi li từng nghìn không thì dễ đói lắm”, chị Thủy nói.
Cùng chung nỗi lo giá điện tăng, chị Nguyễn Thu Phương, hộ dân tại khu chung cư dành cho người thu nhập thấp tại Đại Mỗ (quận Hà Đông) cho hay, tháng 5, gia đình chị trả 500 ngàn đồng tiền điện, nhưng đến tháng 6 tăng vọt lên thành 1,4 triệu đồng.
Chị Phương đang nghỉ việc, chồng đi làm với thu nhập chỉ 5,5 triệu đồng, trong khi nuôi mẹ già và một con học lớp 5. “Tiền ăn mỗi ngày của gia đình chỉ còn 70.000 đồng. Cả nhà trông chờ vào đồng lương còm cõi của chồng. Vậy mà tiền điện tháng 6 phải gánh thêm 700 ngàn, bằng một phần ba tiền ăn trong tháng”, chị Phương nói.
Ông Đỗ Văn Lợi, hộ gia đình tại khu chung cư dành cho người thu nhập thấp Kiến Hưng - Hà Đông cho biết, ngay sau khi có thông báo giá điện tăng, cả nhà phải sinh hoạt tiết kiệm. Gia đình mua bếp than để nấu nước thay phích điện như trước đây.
Hai vợ chồng ông Lợi sống cùng vợ chồng con trai, lương cũng chỉ ba cọc ba đồng. “Cuộc sống khá chật vật, đã nghèo còn gặp cái eo”, ông Lợi nói.
Phải có cách tính giá điện mới
Trả lời báo chí, đại diện ngành điện cho rằng, lần điều chỉnh giá điện này chỉ tăng 7,5% và cách tính giá điện theo bậc thang vẫn đảm bảo hỗ trợ, ưu tiên các gia đình nghèo, có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét, giá điện vẫn ở mức quá cao so với những hộ gia đình có thu nhập thấp. Trước đó, lãnh đạo ngành điện giải thích tiền điện của nhiều hộ dân tăng bất thường là do thời tiết nắng nóng, tiêu thụ điện tăng cao. Nhưng ông Ngô Trí Long cho rằng lập luận đó không thuyết phục.
Theo ông Long, giá điện là yếu tố đầu vào quan trọng, tác động đến toàn bộ hoạt động sản xuất , tiêu dùng. Với tình hình kinh tế hiện nay, giá điện vẫn cứ giữ mức tăng 7,5% sẽ làm chi phí đầu vào tăng cao, dẫn đến giá thành tăng. Điều này sẽ làm nhiều gia đình phải thắt lưng buộc bụng.
“Việc tính giá điện theo lũy tiến như vậy chắc chắn ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Nên có bài toán chi tiêu tiết kiệm trong gia đình chứ không còn cách nào khác”, ông Long khuyến cáo.
“Tuy nhiên, ngành điện cũng nên lắng nghe phản ánh của người dân về cách tính giá điện lũy tiến theo bậc thang. Cần kiểm tra lại và đưa ra cách tính toán mới để người dân được hưởng lợi chứ không chỉ ngành điện”, ông Long nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo