Giá điện tăng cao: Ngành điện vẫn khẳng định là do... thời tiết
Hôm 10/7, Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương đã tổ chức chương trình Tiêu điểm Công Thương với chủ đề: "Điều hành giá điện theo cơ chế thị trường" với sự tham dự của hai vị khách mời: Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực; Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Một trong những vấn đề nóng nhất và được dư luận quan tâm nhiều nhất vẫn là việc hóa đơn tiền điện của các hộ sinh hoạt tháng 5, 6 bất ngờ tăng cao so với các tháng trước đó. Tại chương trìn, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giải đáp về vấn đề này.
Theo ông Tri, trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, cả nước đã trải qua thời điểm nắng nóng cao điểm, có ngày trên 40 độ C. Trong những ngày đó, nhu cầu của cả hệ thống điện tăng trên 520 triệu kWh/ngày. Thông thường thì lượng tiêu thụ điện thường dưới 500 triệu kWh. Như vậy là vào những ngày nóng mức độ tiêu thụ điện đã tăng vọt.
"Nguyên nhân là do hiện nay người dân đang sử dụng rất nhiều các thiết bị để làm mát, nhiều nhà chạy điều hòa, tăng cường quạt và các cửa hàng tăng cường sản xuất nước đá, v.v... Nói chung mức độ tiêu thụ điện kể cả sản xuất lẫn tiêu dùng tăng vọt. Đây là một nguyên nhân khách quan. Và thực tế số liệu thống kê của chúng tôi, sản lượng tháng 6 tăng gần 40% so với sản lượng của tháng 3", ông Tri khẳng định.
Ngoài ra, ông Tri cũng cho biết thêm, thực tế tiêu thụ điện chung của cả hệ thống điện Việt Nam trong tháng 5 và tháng 6 tăng hơn khoảng 30-40% so với tháng 3/2015 vì tháng 3 thời tiết mát.
Một nguyên nhân nữa để lý giải cho việc hóa đơn tiền điện bất ngờ tăng cao được ông Tri đưa ra là vào những ngày nắng nóng, ngành điện phải huy động các nhà máy có giá thành rất cao, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện.
"Như chúng ta thấy, trong các ngày nóng vừa qua, hầu như không bị cắt điện ở bất kỳ khu vực nào, trừ những trường hợp các khu vực bị sự cố là do bị quá tải lưới hoặc máy biến áp gặp sự cố. Tại các khu vực nhỏ đó bị gián đoạn trong cung cấp điện nhưng chúng tôi cũng chỉ đạo các đơn vị tiến hành sửa chữa, thậm chí thay máy biến áp ngay để đáp ứng nhu cầu của người dân" ông Tri nói.
Thủ phạm là do cách tính điện mới?
Cũng trong Chương trình, trả lời thắc mắc về vấn đề biểu giá bán điện áp dụng từ ngày 16/3/2015 tác động như thế nào đến doanh nghiệp và hộ tiêu dùng sinh hoạt, vị Phó tổng giám đốc EVN cho rằng mức chi trả của từng hộ dân phụ thuộc vào số lượng điện mà hộ đó tiêu thụ.
Theo ông Tri, nếu tiêu thụ càng nhiều thì số tiền điện phải trả lại càng cao hơn. Giá điện được quy định theo bậc thang lũy tiến. Vì vậy, càng dùng nhiều thì mức giá ở sau càng cao hơn. Vậy nên khi dùng nhiều số kWh điện thì khách hàng sẽ phải trả nhiều hơn.
Ông Tri cũng lấy dẫn chứng, nếu 1 hộ khách hàng dùng 300kWh/1 tháng thì sẽ phải trả khoảng 609.000 đồng. Nhưng nếu dùng lên 450kWh/ tháng thì sẽ phải trả khoảng 1.026.000 đồng. Nếu dùng lên đến 600kWh/tháng thì phải trả thêm khoảng 1.400.000 đồng. Số tiền tăng lũy tiến, cho nên chúng tôi mong muốn khách hàng cần phải kiểm soát được lượng điện tiêu thụ của mình, để làm sao cho sản lượng tiêu thụ từng tháng không tăng vượt quá mức ngân sách phải chi trả.
Điện năng là một hàng hóa đăc biệt
Liên quan về cách tính điện mới này, nhiều thắc mắc cho rằng ở các nước khác, mặt hàng tiêu dùng càng nhiều thì giá càng rẻ, với mặt hàng điện của Việt Nam thì ngược lại.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Việt Nam cho biết, điện năng là một hàng hóa đặc biệt, quá trình sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời ngay lập tức và về nguyên tắc của Việt Nam, cũng như tất cả các nước trên thế giới khi điều độ sẽ điều độ theo giá trị kinh tế.
Theo ông Tuấn, ngành điện sẽ huy động các nhà máy điện rẻ trước, nhà máy điện giá đắt sẽ huy động sau. "Ví dụ như trong hệ thống điện Việt Nam thì ở mức độ nhất định chúng ta sẽ huy động những nguồn truyền thống như thủy điện, nhiệt điện than, tuabin khí. Nhưng khi nhu cầu điện cao chúng ta sẽ huy động các nhà máy điện đắt tiền hơn, thậm chí trong một số thời điểm chúng ta phải huy động đến cả nhà máy điện chạy dầu nếu như trong hệ thống thiếu nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào", ông Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn cũng cho biết, theo thông lệ về biểu giá thì các nước đều áp dụng biểu giá tính điện lũy tiến cho khách hàng thuộc hộ sử dụng sinh hoạt. Ví dụ ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật, các nước ở trong khối ASEAN. Hiện nay chúng ta có 10 nước trong ASEAN thì cả 10 nước đều áp dụng biểu giá tính lũy tiến cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Và các nước láng giềng của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, hay Hông Công thì cũng áp dụng biểu giá lũy tiến này.
"Như vậy chúng ta đánh giá chung là việc áp dụng biểu giá lũy kế cho khách hàng sử dụng sinh hoạt là phổ biến trên thế giới, với mục đích là khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả", ông Tuấn khẳng định.
Đã có cơ quan độc lập để kiểm định hóa đơn tiền điện
Có ý kiến cho rằng hoá đơn điện cần phải được giám sát kiểm định, nhiều hộ dân gửi đơn khiếu nại đến cơ quan điện lực nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng, bởi vì Việt nam chưa có cơ quan độc lập kiểm định hóa đơn tính tiền điện.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, theo quy định tại Luật Điện lực, khi có nghi ngờ về cách tính hóa đơn tiền điện thì các khách hàng sử dụng điện có thể kiến nghị đến các đơn vị bán lẻ điện trực tiếp bán điện cho khách hàng và hiện nay theo quy định, cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương chính là các Sở Công Thương.
Cũng theo ông Tuấn, trong trường hợp khách hàng không thỏa mãn với giải thích của các Công ty điện lực này thì khách hàng có quyền gửi đơn kiến nghị đến cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương là các Sở Công Thương và trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của khách hàng sử dụng điện và người dân, Sở Công Thương phải có trách nhiệm tổ chức việc kiểm tra và trả lời cho khách hàng sử dụng điện.
"Với quy định của Luật Điện lực hiện nay chúng ta đã có cơ quan độc lập để kiểm định hóa đơn tiền điện cũng như các thiết bị đo đếm điện, công tơ điện cho khách hàng", ông Tuấn khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại sáng 8/11 sau khi Fed hạ lãi suất
Giá nông sản ngày 8/11/2024: Hồ tiêu tăng trở lại, cà phê giảm nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 8/11/2024: USD giảm sau khi Fed điều chỉnh lãi suất
Đưa hàng Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng ở Đông Bắc Thái Lan
Rạng Đông Holding RDP lại bị 'bêu tên' vì chậm công bố thông tin
Giá heo hơi ngày 8/11/2024: Ổn định trên diện rộng