Quốc tế

Châu Á sẽ trở thành động cơ tăng trưởng mới của thế giới

Sự liên kết kinh tế của mười nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước láng giềng ở Đông Á có thể giúp thổi “luồng sinh khí mới” vào nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn hiện nay.

Cuộc khủng hoảng nợ công “lay lắt” ở khu vực đồng tiền chung châu Âu, “vách đá tài chính” và tình hình việc làm ảm đạm ở Mỹ, cùng với nợ công cao ở Nhật Bản đang giáng những đòn nặng nề xuống các nền kinh tế phát triển. Trong khi đó, các nền kinh tế đang nổi lên ở châu Á, đặc biệt các quốc gia ASEAN, lại đang tăng tốc liên kết khu vực và dần nổi lên trở thành động cơ tăng trưởng mới của thế giới.

ASEAN đang thu hút các cường quốc chính trên toàn cầu, những nước từ trước đến nay vì vị trí địa lý mà trở nên xa cách, muốn được tham gia vào thuyết động lực kinh tế của khối này. Sau một thập kỷ sao nhãng và quá tập trung vào các mối quan hệ với những nước ở khu vực Trung Đông, Mỹ nay nhận ra và đang lao vào cái gọi là “tái cân bằng chiến lược” hướng tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 và các hội nghị liên quan ở Phnom Penh (Campuchia), Mỹ và các nước ASEAN nâng cấp các quan hệ lên tầm “đối tác chiến lược”. Lần đầu tiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng tổ chức các cuộc đối thoại với ASEAN, một dấu hiệu rõ ràng nữa cho thấy các thể chế tài chính toàn cầu đã nhận ra tầm quan trọng chiến lược của khối này đối với nền kinh tế thế giới.

Một kế hoạch tham vọng hơn, được đưa ra nhằm mở rộng phạm vi thương mại tự do, cũng sẽ đưa các nước ASEAN tiến thêm một bước trên con đường trở thành một “ngã khổng lồ kinh tế thống nhất”.

Lãnh đạo của cả các nước ASEAN và 6 cường quốc chủ chốt châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, đã phát động cuộc đàm phán về Đối tác Kinh tế Khu vực Toàn diện (RCEP) trong thời gian diễn ra các hội nghị ở Phnom Penh.

RCEP được xây dựng nhằm giảm bớt những rào cản thuế quan và tạo mối liên hệ xuyên khu vực trong buôn bán và đầu tư. RCEP cũng được kỳ vọng sẽ biến các quốc gia trong khu vực này thành thị trường liên kết lớn nhất thế giới với trên 3 tỷ người và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) kết hợp lên tới gần 20 nghìn tỷ USD.

Hội nghị thượng đỉnh Phnom Penh cũng giúp đẩy thêm một bước sự liên kết xã hội – văn hóa và chính trị - an ninh của ASEAN với việc thông qua một loại văn kiện, trong đó có Tuyên bố ASEAN về nhân quyền, Các điều khoản liên quan tới thể chế ASEAN về hòa bình và hòa giải, và Thỏa thuận ASEAN về chống buôn bán người.

Thành lập năm 1967, cơ chế hợp tác trong ASEAN đã được tiến hành thảo luận từ lâu nay và có thể trở thành một công cụ thực tế và mạnh mẽ để thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng của khu vực.

  

Hồng Lĩnh (Theo Dân Trí)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo