Chảy nước mắt trước tình cảnh cậu học trò nghèo bị ung thư máu
Cậu học trò đáng thương ấy là em Nguyễn Minh Đức, SN 2004, học sinh lớp 8A, trường THCS Trà Linh, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Thầy cô, bạn bè và những người trong xóm nghèo gọi Đức là “ngọn nến không tắt”!
Cạn nước mắt vì con
Trong ngôi nhà nhỏ bằng gạch được ông bà nội làm từ lâu nhưng không được hoàn thiện đã cũ kỹ, xuống cấp, chị Trần Thị Thi (SN 1979) ốm nhom, đang ngồi bên đứa con trai mang trọng bệnh vừa trở về từ bệnh viện. Đức nằm đó với mái đầu trọc lóc, ốm yếu khó gượng dậy. Căn nhà chật chội, nóng phả hầm hập, nhưng Đức phải đắp chăn vì em vừa trải qua cơn sốt, người run run ớn lạnh.
Vừa động viên con, nước mắt người phụ nữ thân thương, chất phác cứ sụt sùi. Dẫu kìm nén lắm nhưng người mẹ ấy vẫn không ngăn được những giọt nước mắt trước tình cảnh hiểm nghèo của con trai.
Chị Thi đau đớn kể, Đức là đứa con chăm ngoan, học giỏi, ai cũng rất thương. Ngoài thời gian học, cháu tự giác làm mọi việc để giúp đỡ bố mẹ. Những ngày hè cháu thường lên đồi hái sim, hay ra đồng mò cua bắt ốc về bán lấy tiền phụ giúp gia đình.
Vậy mà tháng 11/2017, một buổi trở về nhà khi đang giữa học kỳ I, Đức không tài nào đi được, phải nhờ bạn chở về nhà. Sau đó cháu bị xuất hiện một vết tụ máu ở cánh tay. Lúc đó vợ chồng chị Thi nghĩ là Đức bị ngã ở đâu đó rồi khó bước đi thôi. Nhưng tối đó Đức bị sốt cao rồi khó thở, buộc vợ chồng chị Thi phải gấp gáp đưa con trai đi khám ở một bệnh viện trên địa bàn.
“Qua các xét nghiệm, chụp chiếu, các bác sĩ phát hiện gan, lách của cháu to hơn bình thường, người thiếu máu. Bệnh viện yêu cầu gia đình chuyển gấp cháu lên tuyến trên. Gia đình chuyển cháu lên Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, rồi sau đó cháu được chuyển đến các bệnh viện: Nhi Trung ương, Huyết học truyền máu Trung ương (Hà Nội). Cháu được kết luận bị ung thư máu. Nhận được tin vợ chồng chị bàng hoàng gục ngã ngay tại bệnh viện”- chị Thi nghẹn ngào thuật lại ngày nhận tin dữ về con.
Từ khi phát hiện con bị bệnh chị Thi đưa con ngược xuôi hết các bệnh viện để chạy chữa. Nhà có chiếc máy tuốt lúa, chị cũng đã phải bán để gom tiền cho con đi viện. Từ khi phát hiện bị bệnh đến nay Đức đã trải qua 4 đợt điều trị hóa chất. Trong nhà giờ không còn gì giá trị để bán. Ngôi nhà anh chị đang ở là nhà bố mẹ chồng trước đây nhưng nay đã xuống cấp, bán cũng chẳng ai ngó ngàng.
Ước mơ bé nhỏ của “ngọn nến không tắt”
Dù bố mẹ, người thân đã cố giấu biệt về chứng bệnh Đức, nhưng những ngày điều trị ở bệnh viện, nhìn các ca bệnh tương tự, cậu học trò tội nghiệp đã linh cảm được bệnh tình của mình. “Đợt vừa rồi điều trị ở bệnh viện, cháu nó nghe được mọi người nói về căn bệnh của cháu khó chữa khỏi nên cháu bi quan hẳn. Có hôm cháu đã trốn viện, khiến các y bác sĩ và gia đình hết sức lo lắng, phải đi tìm. Lúc về nhà, bạn bè đến thăm cháu cũng ngại không dám gặp mà lên rừng trốn. Nhìn con như vậy chị và chồng rất đau lòng, không đêm nào ngon giấc”- Chị Thi nhìn con ngậm ngùi nói trong nước mắt.
Đau lòng, tiếc nuối hơn với vợ chồng chị Thi, lúc chưa bị bệnh năm nào Đức cũng học ở lớp chọn của trường. “Gia đình bên chồng tôi ai cũng chỉ học hết lớp 2, nên khi thấy con trai học được ai cũng rất mừng. Nào ngờ cuộc đời bất công với cháu đến thế”- chị Thi lại bật khóc nói về con.
Vợ chồng chị Thi đã làm đủ cách để vực dậy tinh thần của con trai. Bất cứ những người thân, bà con nào đến chơi đều được truyền đạt trước ý nhị: “Đức khỏe hơn, bệnh tình sẽ sớm khỏe thôi”. Thương cậu học trò bất hạnh, như lời thầy Nguyễn Thế Hiển - Hiệu phó Trường THCS Trà Linh- các thầy cô, học sinh cũng thường đến nhà động viên Đức mỗi khi em trở về từ bệnh viện.
Dần dần, Đức đã phần nào lấy lại được tinh thần. Dẫu bệnh tật vẫn hành hạ, nhưng Đức đã vững tin hơn để chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo. Đức tự dặn lòng mình không được khóc, phải mạnh mẽ hơn để không làm bố mẹ buồn, lo lắng thêm.
"Có những đêm mẹ con ôm nhau khóc, cháu thủ thỉ: Mẹ đừng khóc, đừng lo cho con, rồi con sẽ khỏe thôi mẹ ạ. Ngày con khỏe lại con sẽ lại lên đồi hái sim bán kiếm tiền để cho mẹ mua bộ quần áo mới. Con thấy đã lâu mẹ chưa có bộ đồ mới nào cả. Rồi cháu nó còn nói góp tiền để mua cho em trai chiếc xe đạp điện”- chị Thi nghẹn giọng kể tiếp về đứa con trai ngoan hiền.
Chứng kiến tinh thần lạc quan hơn của đứa học trò ngoan đang ngày đêm bệnh tật dày vò, các thầy cô của Trường THCS Trà Linh mừng lắm. Rồi thầy cô gọi Đức là “ngọn nến không tắt”, với hi vọng cậu học trò ngoan như ngọn nến, vẫn mãi cháy dù phía trước là phong ba, bão táp.
Thương Đức lắm đi thôi! Tình cảnh em đã nghiệt ngã thế, vậy mà bố mẹ lại quá nghèo. Chị Thi và chồng- anh Nguyễn Trọng Hạnh (SN 1979)- kết hôn năm 2002, lúc đó, chị làm công nhân công ty may, còn chồng làm thợ cho công trình xây dựng ở miền Nam. Sau khi kết hôn, anh chị về quê cùng làm ruộng, rồi làm thuê làm mướn nuôi con. Kinh tế khó khăn, năm 2011, gia đình vay mượn tiền để anh Hạnh đi xuất khẩu lao động sang Lybia. Nhưng vừa sang, bên đó chiến tranh nổ ra, anh buộc phải về nước mà không lấy lại được đồng nào.
Năm 2011, bố chồng chị cũng mất bởi căn bệnh ung thư phổi nên cuộc sống gia đình lại càng khó khăn hơn. Năm 2013, chị Thi sinh cháu thứ hai nhưng sinh mổ, sau khi mổ chị bị băng huyết may được cứu kịp thời nhưng sức khỏe chị ngày càng yếu. Những ngày em Đức đi xạ trị ở bệnh viện vợ chồng chị Thi phải chạy hết làng trên xóm dưới để vay tiền cho con đi.
Ông Nguyễn Hữu Hài - Chủ tịch UBND xã Phú Lộc nói: "Trường hợp của cháu Đức rất éo le. Gia đình em Đức thuộc hộ nghèo, kinh tế quá khó khăn. Khi Đức bị bệnh, thôn, xã cũng đã vận động các tổ chức đoàn thể, bà con lối xóm quyên góp ủng hộ gia đình. Nhưng cuộc sống người dân ở đây còn khó khăn nên sự giúp đỡ cũng không được nhiều".
Sống trên cõi đời, tôi vẫn luôn tin ông trời không lấy đi của ai tất cả. Với Đức, tôi lại càng tin như thế. Ông trời sẽ không tước đi sự sống của một chàng trai chăm ngoan, hiếu thảo; một cậu học trò hiếu học, được thầy cô, bạn bè mến yêu. Tôi tin chỉ cần gặp được mạnh thường quân, được các tấm lòng sẻ chia, giúp đỡ, “ngọn nến” ấy sẽ không bao giờ tắt, sẽ vụt sáng ngày trở lại!.
End of content
Không có tin nào tiếp theo