Chế độ ăn uống, luyện tập cho người hen suyễn
Hen suyễn là một loại bệnh dị ứng đường hô hấp. Khi bị dị ứng, lớp niêm mạc phế quản sưng phồng lên, thu hẹp đường hô hấp làm bệnh nhân khó thở. Các cơ bao quanh đường hô hấp cũng có thể bị co thắt làm cho việc hô hấp càng trở nên khó khăn hơn. Bệnh nhân cảm thấy ngực như bị lấp lại, thở ra rất khó, kèm theo theo có tiếng khò khè, ho. Bệnh nhân không nằm ngửa được mà phải ngổi há miệng để thở. Nếu bệnh nặng thì mồ hôi vã ra đầm đìa, môi lưỡi tím, người bứt rứt vật vã…
Cơn hen kéo dài thời gian 10-15 phút hoặc dài hơn, sau đó giảm dần. Cơn thường phát vào ban đêm, lúc trời trở lạnh, thời tiết thay đổi, hoặc cơn phát theo chu kỳ.
Những tác nhân dị ứng thường là phấn hoa, lông động vật, bụi nhà, các nha bào nấm, các loại vi khuẩn, các loại khói gây ô nhiễm không khí, các loại dược phẩm...Ngoài ra, các loại thực phẩm có thể gây dị ứng như tôm, cua, trứng, thịt bò, thịt gà cá trích, cá ngừ, tôm, sò lông, nhộng tằm, măng tre, đậu phộng, hạt điều, giá đậu, trái thơm (dứa), bia, rượu …
Một số yếu tố khác như thần kinh căng thẳng, nội tiết tố thay đổi, thời tiết, khí hậu, môi trường ẩm ướt… đều có ảnh hưởng đến bệnh hen suyễn.
Những người bị hen suyễn nên tránh những thức ăn có thể gây dị ứng. Nên ăn nhiều rau xanh, củ, quả có chứa nhiều vitamin C (cần được cung cấp đến 2g vitamin C mỗi ngày) như cam quýt, chanh, bưởi, kiwi, sơ ri, ổi, xoài, thanh long, rau bồ ngót, cần tây, ớt chuông, rau dền đỏ, rau đay, mồng tơi, cải xanh, cà chua…
Nên dùng nhiều thực phẩm giàu beta caroten có trong gấc, bí đỏ, cà rốt, đu đủ, khoai lang bí, rau bồ ngót, ớt chuông màu vàng, màu cam..., và vitamin E có nhiều trong dầu thực vật và các loại đậu, hạt, cũng có giúp bảo vệ và tăng cường chức năng hô hấp.
Người bệnh hen suyễn cũng cần ăn thêm các loại như hành tây, tỏi, nghệ, ớt, tương hạt cải, bông cải xanh, các loại ngũ cốc lứt, các loại rau thơm, để tăng cường sức đề kháng, tiêu đàm, bảo vệ và làm thông lợi đường hô hấp.
Hàng ngày nên ăn uống đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng cần thiết, nhất là cần chú ý đến lượng chất đạm có trong thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu (cung cấp ít nhất 1g đạm/kg thể trọng/ngày). Tỷ lệ chất béo trong khẩu phần cần chiếm khoảng 40 - 45% tổng năng lượng cung cấp mỗi ngày. Chất bột đường trong khẩu phần cũng có tác dụng giúp làm tăng thông khí của đường hô hấp.
Các thực phẩm giàu chất béo omega 3 có thể làm giảm bớt tình trạng viêm, giảm nguy cơ bị khó thở, thở khò khè. Các loại thực phẩm giàu omega 3 là cá hồi, cá trích, cá thu, các loại hạt có dầu, còn có thể giúp phòng ngừa bệnh hen suyễn di truyền ở trẻ nhỏ.
Cần hạn chế muối (dưới 6g muối/ngày). Tránh những thực phẩm sinh hơi, gây trướng bụng, như thức uống có ga, táo tây, trái bơ, dưa hấu, đậu phộng rang, bông cải, bắp cải, bắp, hành, rau cải ngâm giấm hoặc làm dưa chua...
Một chế độ tập luyện thể dục thể thao vừa sức, luyện khí công, yoga, thái cực quyền, xoa bóp cơ thể hàng ngày, cũng rất có ích cho người bị hen suyễn.
Đồng thời, nên giữ cho mình một tâm thái nhẹ nhàng, không lo âu, căng thẳng quá mức.
Minh Tâm ( Theo VnExpress )
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng