Chết oan vì sơ cứu không đúng cách
Làm ơn mắc oán
Thông thường khi có nạn nhân bị tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động, người nhà hoặc người đi đường thường lập tức bế, vác, cõng nạn nhân vào viện và cho rằng, càng đưa vào viện nhanh, càng tốt. Tuy nhiên, theo bác sĩ Oánh, đây lại là một sai lầm nghiêm trọng đẩy bệnh nhân đến mức tử vong hoặc thương tổn nặng nề hơn.
Điều dưỡng Nguyễn Văn Uy (khoa Khám bệnh cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức) cho biết, mới đây, có một cô gái mới 22 tuổi, bị tai nạn giao thông, được một người đi đường tốt bụng bế lên taxi đưa đến bệnh viện.
Cô gái này bị chấn thương đốt sống cổ, quá trình bế, vác đã khiến cho xương cổ của cô bị gãy nặng hơn, đứt tủy. Việc đứt tủy, liệt cũng khiến các chức năng cơ thể không còn hoạt động được, phải chạy máy hô hấp. Cô gái sớm tỉnh lại, đầu óc vẫn tỉnh táo, nhưng chỉ có thể nhìn mình từ từ đi tới cõi chết.
“Cô ấy rất trẻ, luôn miệng cầu xin bác sĩ và gia đình cứu mình, dù liệt cũng được. Nhưng điều đó là không thể. Đáng tiếc nhất, đã có thể cứu được cô ấy nếu như được sơ cứu đúng cách, cố định cổ của cô lại” – điều dưỡng Uy cho biết.
Theo điều dưỡng Uy, mỗi ngày Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận khoảng 50 ca cấp cứu vì tai nạn giao thông, ngày lễ tết lên đến hàng trăm ca. Ngày 1/6 vừa qua, khoa Cấp cứu cũng tiếp nhận hơn 30 ca chấn thương sọ não, 20 ca gãy xương và nhiều ca thương tật khác vì tai nạn giao thông. Gần 100% số ca này không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách. Điều này gây ra những cái chết oan ức, đau lòng.
Bác sĩ Oánh cho biết, với các tai nạn lao động, nạn nhân bị chấn thương đốt sống cổ, nếu bế ngay nạn nhân lên thì rất dễ làm lệch chỗ xương gãy gây đứt tủy. Ngay cả khi xương đùi bị gãy, bế, vác, cõng nạn nhân sẽ khiến vết gãy di lệch, bẻ chân, gãy ít thành gãy nhiều, nạn nhân có thể bị chết do sốc hoặc gây tổn thương mạch máu, vỡ động mạch chủ, đứt dây thần kinh.
Dạy kỹ năng sơ cứu - hạn chế hậu quả
Để hạn chế những cái chết thương tâm đó, hiện nay, vào thứ 6 hàng tuần, Đoàn thanh niên của Bệnh viện Việt Đức tổ chức những buổi tuyên truyền về tầm quan trọng của sơ cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông nói riêng và tai nạn nói chung, đồng thời hướng dẫn kỹ năng sơ cứu cho bệnh nhân và người nhà tại khu nhà trọ của bệnh viện.
“Việc cung cấp kỹ năng sơ cứu để mọi người có thể cứu giúp bệnh nhân, chứ không phải "làm ơn mắc oán" khi vội vã đưa bệnh nhân đến bệnh viện khiến cho “lợn lành thành lợn què”.
Điều dưỡng Nguyễn Văn Uy |
“Họ có người nhà bị tai nạn, không ít người chịu hậu quả của việc không được sơ cứu, vì thế, họ có thể hiểu được nỗi đau và tầm quan trọng của việc hiểu biết về kỹ năng sơ cứu” – bác sĩ Oánh cho biết.
3 buổi nói chuyện vừa qua (từ 11/5 tới 1/6), đã có hàng trăm bệnh nhân nhẹ và người nhà đến tham dự buổi dạy kỹ năng sơ cứu nạn nhân bị tai nạn.
Bác Nguyễn Văn Hoàn (Nông Cống, Thanh Hóa) cho biết: “Con trai tôi bị tai nạn giao thông và gãy chân. Do thiếu hiểu biết nên khi khiêng cháu vào viện, chân cháu bị gãy nặng hơn, mất máu nhiều. May mà vẫn còn cứu được chân nhưng phải mổ đi mổ lại nhiều lần. Tôi muốn học sơ cứu để có thể tự cứu mình và cứu mọi người nếu như không may gặp tai nạn”.
Theo điều dưỡng Uy, khi gặp nạn nhân bị tai nạn, nếu nạn nhân còn tỉnh, người giúp đỡ cần hỏi nạn nhân đau ở đâu, nếu ở cổ thì cần dùng bìa cứng, tạo một cái khuôn, chèn vào giữa cổ và vai để giữ cổ theo trục thẳng với sống lưng, chèn thêm bao cát để cổ không di chuyển sang hai bên, đồng thời, nhẹ nhàng di chuyển nạn nhân lên cáng phẳng để đưa đến nơi cấp cứu.
Còn bất tỉnh thì càng cần cố định cổ. Nếu nạn nhân bị gãy tay, chân, cần dùng các nẹp tự tạo, băng bó vết thương, cố định chân, tay thẳng rồi mới cáng nạn nhân đi cấp cứu.
Theo DV
End of content
Không có tin nào tiếp theo