Thị trường

Chỉ 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa liên kết được với chuỗi giá trị toàn cầu

Sáng 21-10, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam tổ chức diễn đàn “Nâng tầm DNNVV Việt Nam trong cạnh tranh-Sáng tạo để hội nhập quốc tế”.

Đại biểu chủ trì tại diễn đàn. Ảnh: KHÁNH HÒA

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nêu rõ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với đặc trưng tự động hóa, robot hóa và internet kết nối sẽ làm thay đổi nhanh chóng cách thức sản xuất, tạo áp lực mạnh mẽ đến nguồn nhân lực, việc làm, thị trường lao động.

Các nền kinh tế APEC cũng không nằm ngoài xu thế chung này. Trong một thập kỷ tới 56% lao động, tương đương khoảng 137 triệu người tại các quốc gia như Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam sẽ có nguy cơ chịu ảnh hưởng cao bởi lực lượng robot.

Xu hướng thay đổi, phát triển của khoa học và công nghệ tác động lớn đến thị trường lao động, làm thay đổi môi trường tương tác, nhu cầu về lao động…

Áp lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động thúc đẩy các doanh nghiệp tối ưu hóa tất cả các hoạt động, từ sản xuất, kinh doanh đến cung ứng dịch vụ; từ quản lý sản xuất tập trung đến phân mảng…

Đồng thời, sự phát triển của khoa học và công nghệ cũng đặt ra vấn đề cần phải thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ trước xu hướng phát triển của khoa học, công nghệ nhằm có sự chuẩn bị, tự định hình và chuẩn bị hành trang cần thiết cho nghề nghiệp tương lai, đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp…

 

Đại biểu chủ trì tại diễn đàn. Ảnh: KHÁNH HÒA

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhấn mạnh, thực tế năng lực cạnh tranh, trình độ công nghệ của cộng đồng DNNVV Việt Nam còn nhiều hạn chế, sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mới ở mức khiêm tốn. Hiện nay, mới chỉ có 21% DNNVV Việt Nam liên kết được với chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi con số này ở Thái Lan là 30% và Malaysia là 46%.

Diễn đàn chỉ ra xu thế hội nhập hiện nay trên thế giới đang hướng đến cuộc cách mạng về sở hữu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng chiếm hữu, định đoạt, mua lại giá trị thương hiệu của các quốc gia khác trên thế giới.

Xu thế hội nhập làm cho biên giới giữa các quốc gia trở nên mềm hơn, con người xích lại gần nhau hơn. Hội nhập kinh tế quốc tế cũng đưa ra những hình thức kinh doanh độc đáo, sáng tạo. Đơn cử như Uber, facebook… là loại hình doanh nghiệp toàn cầu với lợi nhuận khổng lồ…

Hội nhập sẽ tạo cơ hội cạnh tranh cho mọi doanh nghiệp, mọi người dân. Tuy nhiên, cũng đặt ra những thách thức về chế độ bảo hiểm cho người lao động, giải quyết vấn đề an sinh xã hội như thế nào khi lực lượng lao động bị thất nghiệp vì không đáp ứng được yêu cầu của công nghệ số…

Nên đọc
Theo Báo Đà Nẵng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo