Chỉ 23% doanh nghiệp Việt hiểu đúng về quản trị doanh nghiệp
Rất nhiều hạn chế và chưa tiệm cận với chuẩn mực quốc tế trong công tác quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam đã được TS. Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia chỉ ra bên lề buổi công bố Giải thưởng Quản trị doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam 2014 sáng 21/5.
TS. Hà Huy Tuấn bày tỏ quan ngại về năng lực quản trị của các doanh nghiệp Việt Nam. Ông cho biết, so với các nước ASEAN có trình độ phát triển tương đương với Việt Nam (Philippines, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Singapore), Việt Nam là nước có mức độ quản trị doanh nghiệp thấp nhất. Chỉ có khoảng 23% doanh nghiệp nội địa hiểu đúng khái niệm và nguyên tắc quản trị doanh nghiệp.
Hơn thế nữa, hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa phân biệt rõ ràng khái niệm “quản trị” và “điều hành” nên không thể tách bạch vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tướng ứng.
Ông Tuấn cho rằng: có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.
Thứ nhất, nhận thức về quản trị của nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, không thấy được lợi ích của việc tách bạch giữa hội đồng quản trị (HĐQT) với ban giám đốc (BGĐ) hay ban kiểm soát (BKS) nên không thể phát huy đúng vai trò, chức năng của từng bộ phận.
HĐQT là cơ quan quản trị cao nhất trong một công ty, bảo vệ lợi ích và tài sản của công ty, đảm bảo việc đầu tư thu lãi và mọi quyết định chiến lược của DN phải bắt nguồn hoặc được phê duyệt bởi HĐQT.
Tại nhiều doanh nghiệp, vai trò của chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc còn lẫn lộn. Trong khi theo quan điểm quản trị hiện đại, chủ tịch HĐQT độc lập với vai trò điều hành có thể bảo vệ lợi ích cổ đông tốt hơn bằng cách lãnh đạo HĐQT, trong khi Tổng giám đốc chỉ điều hành kinh doanh sẽ giúp loại trừ nhiều mâu thuẫn lợi ích.
Thứ hai, phần lớn doanh nghiệp chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, khi thị trường có những biến động ngắn hạn các doanh nghiệp chỉ chăm chăm chộp lấy cơ hội ngắn hạn mà không để ý đến lợi ích dài hạn. Vì vậy, tách bạch giữa HĐQT và Ban điều hành, quản lý sẽ cho phép có thể thấy tầm nhìn dài hạn.
Thứ ba, về cơ bản các văn bản pháp quy về quản trị doanh nghiệp đã được ban hành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, đó thường là quy trình tĩnh, mang nặng tính hình thức hơn là thực chất; đồng thời, chưa có một hệ thống quy tắc đạo đức hoặc quy trình tương tự trong quản trị công ty để củng cố hệ thống giá trị của HĐQT. Quy trình lựa chọn thành viên HĐQT cũng chưa được xây dựng.
Hơn thế nữa, trong quá trình triển khai ở mức độ dưới luật, các thông tư, văn bản hướng dẫn… đôi khi chưa cụ thể hóa được hết các khái niệm dẫn tới nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng điều đó để phục vụ cho các mục đích ngắn hạn.
Do đó, theo ông Tuấn, ngoài những lợi ích trước mắt, các doanh nghiệp Việt cần phải tính đến chiến lược phát triển bền vững với những lợi ích lâu dài.
Để nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả kinh doanh, các doanh nghiệp nên tách bạch rõ ràng vai trò của HĐQT, ban giám đốc, ban kiểm soát; tăng cường vai trò giám sát (đặc biệt là giám sát độc lập), đồng thời chú trọng đến tính định hướng và tính minh bạch trong quá trình hoạt động.
Hoạt động giám sát của HĐQT phải được mở rộng hơn, thay vì hạn chế ở các báo cáo quản lý và báo cáo tài chính. Quy trình giám sát rủi ro của HĐQT cũng chưa được rõ ràng. Ngoài ra, các ủy ban chuyên môn của HĐQT cần được tăng tính hiệu quả và chức năng giám sát.
Rõ ràng, quản trị công ty là điều rất quan trọng ở Việt Nam, nhưng còn có sự thiếu hụt nghiêm trọng giữa yêu cầu và thực tế. Doanh nghiệp Việt Nam đã lớn lên về lượng thì sẽ phải thay đổi về chất, nếu không sẽ không thể cạnh tranh và phát triển bền vững được.
End of content
Không có tin nào tiếp theo