Chỉ báo tình trạng suy giảm kinh tế đang rõ nét hơn
Sau một thời gian dài kiểm soát tín dụng với lãi suất cao, nhiều doanh nghiệp đã ngừng sản xuất, giải thể, phá sản, một bộ phận lớn doanh nghiệp đang nỗ lực vượt qua thời điểm khó khăn, nhưng không thể kéo dài tình trạng này hơn nữa.
Đây là nhận định của đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, tình hình triển khai năm 2013.
Sáng 14/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đã trình bày báo cáo này tại phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước đó, báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày nêu rõ, trong 4 tháng đầu năm 2013 kinh tế vĩ mô bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước, lạm phát được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định. Lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tỷ giá và thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định. thanh khoản các ngân hàng thương mại cải thiện đáng kể, dự trữ ngoại tệ của Nhà nước tăng cao; thị trường vàng từng bước đi vào hoạt động ổn định...
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận nền kinh tế vẫn còn ẩn chứa nhiều rủi ro gây bất ổn định kinh tế vĩ mô. Thực hiện tái cấu trúc ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản chậm được giải quyết.
Theo cơ quan thẩm tra, các nỗ lực chính sách thực hiện thời gian qua và những kết quả tích cực đạt được ban đầu vẫn chưa bảo đảm chuyển xu thế tốt hơn. "Tăng trưởng kinh tế sẽ rất khó khăn trong năm nay với những dấu hiệu chỉ báo tình trạng suy giảm đang rõ nét hơn", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.
Các con số được lưu ý là GDP quý 1/2013 tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2012, cao hơn mức tăng 4,75% của quý 1/2012, nhưng mức tăng này vẫn thấp hơn rất nhiều so với quý 1/2011 (tăng 5,53%) và quý 1/2010 (tăng 5,84%); tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp quý 1/2013 chỉ đạt 4,93% là mức thấp nhất của quý 1 các năm trong suốt giai đoạn 2010-2013.
Cạnh đó, tăng trưởng dư nợ tín dụng 3 tháng đầu năm chỉ đạt 0,03% và đạt 1,4% trong 4 tháng đầu năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý 1/2013 chỉ tăng 4,9%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012 (5,9%) phản ánh khả năng hấp thụ vốn và năng lực sản xuất của nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tồn kho tiếp tục là điểm nghẽn của tăng trưởng.
Biểu hiện tiếp theo là tổng vốn đầu tư toàn xã nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì sụt giảm, quý 1 đạt 29,6% GDP, cũng thấp hơn nhiều với cùng kỳ năm trước (36,2%). Cùng với việc nguồn vốn FDI không tăng và tín dụng cho nền kinh tế tăng rất thấp, nguồn lực cho tăng trưởng năm 2013 là rất khó khăn trong điều kiện hiệu quả đầu tư chưa thực sự có sự cải thiện rõ rệt.
Cũng theo báo cáo thẩm tra, việc Ngân hàng Nhà nước tiến hành đấu thầu vàng miếng để ổn định thị trường vàng còn nhiều luồng ý kiến khác nhau khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới còn chênh lệch ở mức cao và thông tin về định hướng chính sách chưa kịp thời tác động đến tâm lý xã hội.
Về việc xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, một số ý kiến đánh giá cao việc tăng cường trích lập dự phòng giải quyết nợ xấu và đảm bảo mục tiêu an toàn người gửi tiền. Tuy nhiên số liệu nợ xấu Ngân hàng Nhà nước thông tin ra công chúng có lúc thiếu nhất quán cũng tạo hoài nghi, tác động tâm lý xã hội.
Một số ý kiến tại Ủy ban cho rằng giải phóng hàng hóa tồn kho, xử lý thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu còn quá chậm và kết quả chưa rõ ràng. Trong khi đó tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng chưa có những chuyển biến cụ thể.
Những tháng còn lại của năm 2013, theo nhìn nhận của cơ quan thẩm tra, thách thức chính sách nổi lên là phải xử lý hài hòa và bảo đảm thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong điều kiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.
Với nhận định yếu tố tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế trong năm 2013 và những năm tới đây sẽ bị sụt giảm, cơ quan thẩm tra lưu ý, nếu không sử dụng hợp lý các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng thì một mặt năng lực sản xuất của nền kinh tế chưa thể phục hồi nhanh, mặt khác sẽ gây áp lực lên lạm phát.
Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (tăng cung), các giải pháp tác động đến chính sách tài khoá, tiền tệ để kích thích tổng cầu cần được thực hiện thận trọng, việc linh hoạt các chính sách theo diễn biến và liều lượng thích hợp, kiên định và nhất quán với mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, báo cáo nêu rõ.
Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh việc thực hiện đồng bộ, thận trọng, linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ, bảo đảm điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát, diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối và tỷ giá; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất và mở rộng thị trường; chú trọng công tác điều hành giá theo lộ trình giá thị trường đối với dịch vụ công, tránh gây biến động mạnh chỉ số giá, góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng và tạo việc làm...
Gần trọn ngày làm việc hôm nay (14/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận các báo cáo về kinh tế, xã hội, ngân sách của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội về những nội dung này.
Minh Trí
Theo Vneconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo