Chỉ bốn doanh nghiệp Việt thỏa mãn được Samsung
Trong số 67 doanh nghiệp đang cung cấp nguyên vật liệu cho Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV), có 4 doanh nghiệp của Việt Nam.
Theo thông tin trên báo Hải quan, số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc làm nhà cung cấp cho SEV chiếm số lượng áp đảo lên đến 53/67 doanh nghiệp.
14 nhà cung cấp còn lại là của Việt Nam, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Anh. Cụ thể số lượng doanh nghiệp Việt Nam chiếm tỉ lệ ít ỏi với 4 doanh nghiệp. Đó là: Công ty CP In và Bao bì Goldsun, Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long, Công ty TNHH Bao bì Việt Hưng, Công ty TNHH Nam Á. Như vậy, thực tế doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm bao bì cho SEV.
Đáng chú ý, số lượng nhà cung cấp cho SEV ở các quốc gia tiên tiến khác cũng rất ít ỏi. Doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản là 7 doanh nghiệp. Còn lại các nhà cung cấp khác như Anh, Malaysia, Singapore chỉ dừng lại ở 1 doanh nghiệp.
Ngày 11/9/2014, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã cùng với SEV tổ chức cuộc hội thảo và triển lãm các linh kiện, phụ kiện mà SEV cần sản xuất tại Việt Nam. Tại hội thảo này, SEV đã nêu lên những điều kiện về công nghệ, chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng, môi trường, lao động…để các doanh nghiệp Việt Nam đối chiếu với thực trạng, có giải pháp thiết thực nâng cao năng lực công nghệ, nhân lực… đáp ứng đòi hỏi của SEV.
Tuy nhiên, tại buổi hội thảo này, nhiều doanh nghiệp dù rất kỳ vọng vào cơ hội hợp tác với Samsung nhưng lại tỏ ra e ngại, kém tự tin.
Ông Nguyễn Dương Hiệu - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Công ty cổ phần Công nghiệp và thương mại Lidovit (KCN Bình Chiểu, TPHCM) cho biết, hàng loạt tiêu chí mà phía Samsung đưa ra là vô cùng khó khăn.
"Nhà nước và Tập đoàn Samsung không có những chính sách cụ thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tăng sự cạnh tranh thì sẽ rất khó", ông Nguyễn Dương Hiệu nói.
Đồng quan điểm, ông Đinh Văn Tuấn – Trưởng phòng kinh doanh Nhà máy nhôm Đông Anh (Đông Anh, Hà Nội) cũng cho biết, với những tiêu chí mà Samsung đưa ra thì doanh nghiệp của ông cũng khó có thể đáp ứng được để trở thành nhà cung cấp cho Samsung Việt Nam.
Cũng tham gia tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuyển – Phó phòng kinh doanh Công ty TNHH Tabuchi Electric Nhật Bản (KCN Đại Đồng, Bắc Ninh) cho biết, với 8 tiêu chí mà Samsung đưa ra có đến 99% doanh nghiệp Việt Nam không chen chân được vào chuỗi cung ứng cho Tập đoàn này.
"Ngay cả doanh nghiệp Nhật Bản như chúng tôi cũng chỉ đáp ứng được tối đa 7 tiêu chí nên doanh nghiệp Việt sẽ khó đảm bảo các tiêu chí về chất lượng dù giá cả cạnh tranh. Bên cạnh đó, tiêu chí vốn cũng là một rào cản", bà Tuyển khắng định.
Phía cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Kế hoạch Đầu tư mà đại diện là Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cũng thừa nhận, khó có doanh nghiệp nào có thể đáp ứng được các tiêu chí của Samsung đưa ra.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, Samsung đang áp đúng bài của cuộc chơi kinh tế thị trường và ở đó chắc chắn không có chuyện cầm tay chỉ việc và ép đối tác phải chờ đợi hay buộc phải mua sản phẩm của mình.
“Đây là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam nhưng là bài toán cạnh tranh về giá cả, công nghệ và chất lượng. Có nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam để tham gia vào được thì buộc phải có đầu tư và đưa ra sản phẩm cạnh tranh so với các doanh nghiệp đang làm cùng Samsung. Khi đó cũng là sản phẩm đó, cung ứng ở trong nước, giá thành rẻ hơn, điều kiện vận chuyển thuận lợi hơn thì không có lý do gì Samsung không lựa chọn”, TS Cung nói.
Thế nhưng, theo TS Cung, từ trước tới nay phần lớn doanh nghiệp trong nước (với những anh có ‘máu mặt’ trong đó có cả doanh nghiệp nhà nước) lại quen làm ăn theo kiểu ký được một phi vụ nào đó, được nâng đỡ bằng các mối quan hệ nên ít khi phải va chạm với thị trường. Chính vì thế khi buộc phải tham gia vào cuộc chơi với sự cạnh tranh thực sự sẽ ngại thay đổi, không dám mạo hiểm.
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam nhìn nhận: “Làm công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi người thực, việc thực cùng với sự uyển chuyển trong việc ứng dụng công nghệ. Thế nhưng thực tế cho thấy tâm lý ăn sẵn, lười mà nhiều doanh nghiệp đang bị sa vào cho nên lúc nào cũng kêu gào và chờ mọi việc tự đến. Sự thụ động này sẽ không mang lại thành công nếu thực sự doanh nghiệp muốn đặt mình vào cuộc đua này”.
Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam
Cột tin quảng cáo