Chỉ có 5% người cao tuổi khỏe mạnh
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, nhấn mạnh: “Nước ta đang ở thời kỳ dân số vàng nhưng đồng thời cũng đang bước vào ngưỡng cửa của sự già hóa dân số với tốc độ nhanh, đòi hỏi ngành Y tế phải có những biện pháp thích hợp để đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công tác chăm sóc sức khỏe nói riêng một cách bền vững. Thực tế trên vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời cũng là nhiệm vụ nặng nề của ngành Y tế”.
Theo nghiên cứu dịch tễ học mới đây, tỷ lệ người cao tuổi có sức khỏe tốt chỉ chiếm khoảng 5%. 95% còn lại mắc các bệnh tăng huyết áp (gần 40%), viêm khớp (hơn 30%), bệnh phổi phế quản tắc nghẽn mãn tĩnh, đái tháo đường, sa sút trí tuệ, giảm thị lực, thính lực… Tính trung bình mỗi người già mang 2,6 bệnh tật.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 8,15 triệu người cao tuổi, chiếm 9,4% dân số. Dự báo vào năm 2017 tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 10% tổng dân số, tức là dân số Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn “già hóa”. |
Hệ quả là bình quân chi phí y tế cho người cao tuổi gấp 7 lần so với người trẻ và chỉ tính riêng chi phí y tế cho nhóm người trên 75 tuổi đã chiếm tới 30% tổng ngân sách y tế của một quốc gia.
Nếu không sẵn sàng chuẩn bị, chúng ta có thể “bị choáng ngợp bởi sự gia tăng số lượng người tàn tật và người cần sự chăm sóc như người mắc bệnh đột quỵ, đái tháo đường và ung thư” và “Điều quan trọng chúng ta nhìn nhận tuổi già không phải như một thời kỳ giảm sút sức khỏe không thể tránh khỏi mà phải như là một cuộc sống năng động, ý nghĩa và hữu ích”, TS Shin Young-soo, GD WHO khu vực Tây Thái Bình Dương khẳng định.
Vì vậy, cùng với thông điệp “Có sức khỏe tốt sẽ giúp kéo dài thêm tuổi thọ” của WHO đưa ra trong Ngày sức khỏe thế giới năm nay, ngành y tế cũng kêu gọi tăng cường chăm sóc sức khỏe đối với người cao tuổi qua việc tạo ra một môi trường thân thiện để người già có thể hòa nhập và tham gia vào cộng đồng (như sự gắn kết giữa các thế hệ trong gia đình, kính trọng người già…); chăm sóc y tế cộng đồng để tăng cường sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật… và duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày.
7 nguy cơ hàng đầu đối với sức khỏe mà người cao tuổi có thể phòng ngừa được:
Hút thuốc lá: Nguy cơ mắc các bệnh mạn tính của người cao tuổi có liên quan tỷ lệ thuận với thời gian và mức độ hút thuốc.
Ít hoạt động thể lực: Tham gia rèn luyện thể lực thường xuyên, điều độ có thể trì hoãn được sự suy giảm các chức năng trong cơ thể, làm giảm nguy cơ khởi phát các bệnh mạn tính ở người cao tuổi.
Dinh dưỡng không hợp lý: Chế độ ăn ít chất bột, chất béo làm giảm nguy cơ béo phì, các bệnh mạn tính và tàn phế ở tuổi già. Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia.
Tai biến do thuốc: Người cao tuổi thường có một hoặc nhiều bệnh mạn tính cho nên họ hay sử dụng thuốc chữa bệnh. Đôi khi thuốc lại được kê quá nhiều cho người già.
Không tuân thủ chế độ chăm sóc, điều trị: Sự tuân thủ điều trị bao gồm sử dụng thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc và duy trì chế độ ăn lành mạnh, tập luyện thể dục, không hút thuốc... Việc tuân thủ kém ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả điều trị, đến chất lượng sống. Lúc đó, những tiến bộ của y dược học cũng không làm gì được để giảm gánh nặng của bệnh mãn tính.
Nước không sạch và môi trường vệ sinh kém: Một trong những nguyên nhân gây tử vong do tiêu chảy. Trầm cảm và sa sút trí tuệ: Nhìn chung trong cuộc đời của mình, có từ 15 đến 40% người cao tuổi từng có một thời kỳ trầm cảm rõ rệt. Hơn 90% ca trầm cảm và sa sút trí tuệ không được phát hiện và ngay cả khi đã biết cũng không được điều trị đúng. |
Theo DT
End of content
Không có tin nào tiếp theo