Chỉ có doanh nghiệp nhà nước được lợi
Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được ban hành chỉ liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, vì thế đang đọng lại nhiều câu hỏi đặt ra từ những kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà các bộ đã đề xuất và thực hiện trong thời gian qua.
Từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8/2012, Bộ Công Thương đã tổ chức các buổi gặp gỡ đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Da giày và Túi sách, Hiệp hội Chế biến thủy sản, các tập đoàn, tổng công ty… để nghe “kêu khổ” về khó khăn sản xuất. Nhưng cho đến cuối tháng 8, khi văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ, nêu kiến nghị về một số giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp thì nhiều hiệp hội, ngành hàng mới “ngã ngửa” bởi đa phần các “kế sách” của Bộ chỉ tập trung giải quyết khó khăn rất cụ thể của các doanh nghiệp nhà nước.
Ngành điện đã được Chính phủ đồng ý cho tăng giá điện
Văn bản số 7557/BCT/KH do Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng ký ban hành đề cập điều đầu tiên là vấn đề “nới” cơ chế chỉ định thầu cho một số dự án về hóa chất, tuyển quặng, giàn khoan dầu khí… Lấy lý do để hàng hóa trong nước tham gia vào các dự án đầu tư, Bộ Công Thương đề xuất một cơ chế cho phép chỉ định thầu trong nước với dự án có nguồn vốn Nhà nước chiếm từ 30% tổng vốn đầu tư trở lên trong thời hạn đến hết quý II/2013. Cho đến gần đây, quan điểm “nhường đất” cho doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án do Nhà nước làm chủ đầu tư đã thông suốt thành chủ trương. Nhưng với kiến nghị này, quan ngại dấy lên rằng sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp tư nhân được chỉ định làm nhà thầu?
Chưa hết, Bộ Công Thương thậm chí còn “can thiệp” vào chính sách tiền tệ, đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ cho phép dự án khai thác, chế biến muối mỏ kali tại Lào của Tập đoàn Hóa chất được hưởng cơ chế vay vốn tại BIDV vượt 15% vốn điều lệ của nhà băng này. Với Tập đoàn Than - Khoáng sản, Bộ đề xuất một cơ chế vay vốn ngân hàng nước ngoài dài hạn từ 10 năm trở lên và bảo lãnh vay vốn ngoại cho tập đoàn, những đòi hỏi “vượt khung” và… “đặc lợi”.
Không những thế, Bộ còn đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng và Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính làm việc với các tổ chức quốc tế như WB, ADB để bố trí các nguồn vốn ưu đãi cho các công trình phát điện; đề xuất việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, đồng thời Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo để BIDV và VietinBank tiếp tục cho Tổng công ty Thép vay bổ sung đối với phần vốn tăng thêm của dự án. Trong bối cảnh doanh nghiệp tư nhân còn khó khăn trăm bề trong tiếp cận vốn, yêu cầu này của Bộ có thể hiểu là một “ưu ái” nữa dành cho doanh nghiệp nhà nước?
Nhưng chưa dừng ở đó. “Cân nhắc” đến tất cả các nguồn hỗ trợ từ chính sách vĩ mô, đối với tài khóa, Bộ Công Thương cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vượt qua khó khăn. Đáng chú ý là đề xuất giảm thuế suất thuế xuất khẩu than đá từ 20% xuống còn 10%; xem xét trình Quốc hội giảm thuế VAT có thời hạn từ 10% xuống 5% cho các ngành hóa chất, phân bón, dệt may, da giày…
Ngành than đã được ưu đãi giảm thuế của Chính phủ
Và dường như, “sức ép” của những tiếng kêu khó vang vọng từ doanh nghiệp, tập đoàn, bộ chủ quản đã “thắng thế”. Trước đề xuất của Bộ Công Thương về việc điều chỉnh giá bán than cho điện bằng giá thành năm 2011 đã được kiểm toán mà trước mắt từ tháng 9/2012 điều chỉnh giá bán than cho điện bằng 70% giá thành và đến quý IV điều chỉnh bằng giá thành năm 2011… Chính phủ đã đồng ý đề nghị này, đồng thời cũng thông qua phương án giảm thuế suất thuế xuất khẩu than xuống 10%.
Với việc tăng giá than cho điện, sức ép tăng giá điện cũng sẽ căng thẳng hơn. Việc cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam có thể tăng giá mỗi quý cũng đang treo lại quan ngại làm tăng gánh nặng cho nền sản xuất, khi mà tiêu thụ vẫn chưa qua giai đoạn ảm đạm nhất trong nhiều năm trở về đây.
Nhưng không chỉ có Bộ Công Thương mà nhiều cơ quan hoạch định chính sách khác hiện nay cũng khá “thuận chiều” trước những đòi hỏi của doanh nghiệp nhà nước. “Chiếm vị thế của một ngành nên họ có khả năng thâu tóm hết quyền lợi kinh doanh của ngành. Họ cũng có vị thế để tiếp cận các nhà hoạch định chính sách…”, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương từng trả lời Thời báo Ngân hàng về lý do doanh nghiệp nhà nước thích là tập đoàn, tổng công ty. Điều này xem ra khá đúng trong bối cảnh hiện nay, khi hầu hết các ngành, doanh nghiệp nhà nước đều khó khăn thì nguồn lực có hạn của Nhà nước vẫn đang được hướng vào giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp nhà nước.
Cho nên, đang đọng lại nhiều câu hỏi đặt ra từ những kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhà nước mà các bộ đã đề xuất và thực hiện trong thời gian qua. Như, vì sao chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nói chung rất ít, thủ tục để được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ cũng rất rườm rà, nhưng với các doanh nghiệp nhà nước, nhiều cơ chế vốn lâu nay siết lại thì nay được dịp nới dần? Hay, câu chuyện giảm thuế xuất khẩu than đi ngược lại chiến lược dài hạn về hạn chế xuất khẩu; hay tăng giá hàng loạt nguyên, nhiên liệu đầu vào sản xuất trong lúc tiêu thụ khó khăn; nới cơ chế tín dụng trong khi tài chính nhiều doanh nghiệp rất bi đát… liệu sẽ đặt ra những vấn đề gì trong giai đoạn tới? Thiết nghĩ, đó là những vấn đề các bộ cần tư vấn nhiều hơn với Chính phủ, trước khi đề xuất chính sách theo đúng những gì doanh nghiệp nhà nước đề nghị lên.
Theo Thời báo Ngân hàng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Xuất khẩu cá ngừ cần động lực để tăng tốc trong năm 2025
Buồn vui với sản phẩm phục vụ Tết
Kiện toàn giải pháp thanh toán chạm: VPBank “xanh hóa” để bảo vệ môi trường