Thị trường

Chỉ được rút 5 triệu VND/ngày - rào cản thanh toán không dùng tiền mặt?

(DNVN)-Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, trong đó quy định hạn mức ứng tiền đối với khách hàng là 5 triệu đồng/ngày đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều…

Theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố: Đối với hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, một thẻ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng Việt Nam trong một ngày; Đối với giao dịch rút tiền mặt từ thẻ tại đơn vị chấp nhận thẻ, mỗi thẻ được rút tối đa là 5 triệu đồng Việt Nam trong một ngày.

Thẻ tín dụng sẽ chỉ được rút 5 triệu mỗi ngày.

Chị Đinh Thị Huyền (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, dự thảo mới đưa ra là bất hợp lý đối với khách hàng. Đa số người sử dụng thẻ đều được các ngân hàng kiểm tra tài chính trước khi mở thẻ tín dụng. Nên việc giới hạn số tiền được rút trong một ngày với mục đích nhằm hạn chế rủi ro là không cần thiết.

“Nhiều khi cần tiền mặt nhưng tôi không muốn vào Ngân hàng rút tiền, bởi lẽ chỉ riêng việc xếp hàng, lấy số đã tốn rất nhiều thời gian. Chưa kể, đi kèm còn có các giấy tờ mang theo” – Chị Huyền chia sẻ.

Là một người phải đi công tác nước ngoài thường xuyên, trung bình khoảng 2 - 3 lần/tháng, theo chị Huyền thì hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt ở nước ngoài một ngày khoảng 30 triệu đồng Việt Nam là không khả thi.

Chị Huyền cũng tâm sự thêm: “Khi đi công tác có nhiều điều phát sinh xảy ra, nhiều lúc rất cần đến tiền mặt thì phải trông cậy vào thẻ tín dụng. Có thể 30 triệu ở Việt Nam là con số lớn nhưng sang nước ngoài thì không thấm vào đâu. Tôi thấy cần có một quy định hợp lý hơn trong vấn đề này”

Chị Huyền trong chuyến đi công tác tại Jakarta (Indonesia).

Còn theo anh Nguyễn Ngọc Phú (Cầu Giấy, Hà Nội), việc hạn mức sử dụng thẻ là điều không cần thiết, vì có những trường hợp phát sinh ngoài ý muốn nếu cần gấp tới tiền mặt thì sẽ vô cùng bất tiện.

 

“Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận việc rút tiền qua thẻ tín dụng đồng nghĩa với việc phải trả mức phí cao hơn bình thường. Nếu bây giờ quy định hạn mức như vậy, khác gì việc quản thúc việc bạn dùng tiền ra sao trong khi chúng ta đang hướng tới một xã hội không tiền mặt” – Anh Phú chia sẻ.

Anh Phú cho biết thêm, trong các điều khoản về thẻ tín dụng đã có các định mức sử dụng rất rõ ràng. Khách hàng có thể ước chừng được hạn mức chi tiêu, thanh toán trong khả năng của mình. Theo xu hướng chung hiện nay, mọi người ra ngoài rất ít khi mang theo tiền mặt, nên việc sử dụng thẻ tín dụng là điều tất yếu. Nên việc đưa ra con số ràng buộc cho người tiêu dùng là hoàn toàn bất hợp lý.

Còn đối với bạn Vũ Thị Linh Trang, sinh viên trường Học viện Báo chí và Tuyên đưa ra ý kiến: “Mình ít khi dùng đến thẻ tín dụng, nên việc rút 5 triệu/ ngày với mình không ảnh hưởng quá nhiều. Nhưng mình thấy dự thảo cũng chưa hợp lý so với xu thế hiện nay. Giả sử việc mình cần 6 triệu để đóng học phí thì phải mất tới 2 ngày để rút đủ số tiền”.

Về phía các doanh nghiệp, thì vấn đề Ngân hàng Nhà nước dự thảo hạn mức chi tiêu trong sử dụng thẻ tín dụng là chưa hợp lý. Theo cô Bích Hường, chủ một công ty trên đại bàn Hà Nội cho biết, khách hàng thường sử dụng tiền mặt trong các chi tiêu nhỏ hàng ngày, còn đối với chi tiêu lớn hơn thì sẽ dùng thẻ tín dụng, nên việc giới hạn định mức số tiền là chưa ổn.

Hiện nay, việc sử dụng thẻ tín dụng rất phổ biến trong cuộc sống thường ngày, các ngân hàng đều khuyến khích khách hàng sử dụng loại hình thẻ này bởi nó có nhiều tính năng vượt trội và ưu việt. 

 

Tại kỳ họp thứ 4, QH khoá XIV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định: "Muốn đẩy nhanh tiến trình thanh toán không dùng tiền mặt thì điểm quan trọng nhất là phải thay đổi tâm lý và thói quen sử dụng tiền mặt của người dân. 

Cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt đề án đẩy mạnh triển khai thanh toán không tiền mặt đến năm 2020. Trên cơ sở đề án này, Ngân hàng Nhà nước đã có chương trình hành động để thực hiện, áp dụng cho tất cả các đơn vị trong ngành

Hiện nay, quy định pháp luật cho phép những giao dịch có giá trị rất lớn vẫn được sử dụng tiền mặt thanh toán, đây là điểm bất cập. Qua đó, cần phải xem xét để có những cơ sở pháp lý khuyến khích sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Với việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai đề án không dùng tiền mặt của Chính phủ thì kết quả trong thời gian tới sẽ tốt hơn"

Nên đọc
An Chi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo