Tin tức - Sự kiện

Chỉ nên điều chỉnh tỉ giá khi lạm phát đã được kiểm soát

Tỉ giá bình quân liên ngân hàng tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước chủ động giữ ổn định ở mức 20.828 VND/USD. Song một số doanh nghiệp xuất khẩu lại nêu vấn đề điều chỉnh tỉ giá với Ngân hàng Nhà nước.
Trong ngắn hạn cần duy trì tỉ giá ổn định
 
Trong buổi làm việc giữa Ngân hàng Nhà nước với UBND thành phố Hà Nội ngày 29-3, một số doanh nghiệp đã đưa ra đề nghị điều chỉnh tỉ giá với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Trước đó, nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng về việc Ngân hàng Nhà nước nên xem xét điều chỉnh tỉ giá trong khoảng 3%. Lí do tỉ giá ổn định trong thời gian khá dài có lợi cho nhập khẩu nhưng lại gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
 
Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã nhấn mạnh việc điều hành tỉ giá cần được thực hiện một cách rất thận trọng nhằm hỗ trợ cả xuất khẩu, nhập khẩu và bình ổn mặt bằng giá cả.
 
Thống đốc cho biết: Tỉ giá sẽ được giữ ổn định và trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Đã có nhiều ý kiến về việc Việt Nam nên phá giá đồng tiền, không đủ khả năng giữ ổn định tỉ giá, nhưng tôi khẳng định Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn đủ khả năng và điều kiện để thực hiện mục tiêu này.
 
Theo bản báo cáo kinh tế quý I-2013 ngày 28-3 của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGSTCQG), xét về ngắn hạn thực thi chính sách ổn định tỉ giá là cần thiết vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Hơn nữa, với đặc điểm cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện nay, việc điều chỉnh tỉ giá (giảm giá VND) chỉ có tác động ở mức độ vừa phải đến cán cân thương mại do cả xuất khẩu và nhập khẩu đều ít co giãn theo tỉ giá.
 
Xuất khẩu ít co giãn theo tỉ giá vì xuất khẩu những mặt hàng khai khoáng (như dầu thô) không chịu ảnh hưởng của tỉ giá, nhiều mặt hàng xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu.
 
Nhập khẩu cũng ít co giãn theo tỉ giá vì nhập khẩu chủ yếu là tư liệu sản xuất, chiếm trên 90% kim ngạch nhập khẩu năm 2011, mà khả năng thay thế bằng nguồn cung trong nước rất thấp do công nghiệp phụ trợ kém phát triển.
 
Song, theo UBGSTCQG, khi lạm phát đã trong khả năng kiểm soát, tỉ giá nên điều chỉnh với một mức độ cho phép để không ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của xuất khẩu về lâu dài và hạn chế đầu tư ngắn hạn từ nước ngoài. Thực thi chính sách lãi suất cao và tỉ giá ổn định sẽ có tác động tích cực trong việc củng cố giá trị VND, góp phần kiểm soát lạm phát.
 
Tuy nhiên, chính sách này sẽ gây hiệu ứng phụ không mong muốn. UBGSTCQG nhận định: Một trong những tác động phụ không mong muốn là sẽ thu hút đầu tư gián tiếp ngắn hạn từ nước ngoài. Đây là những khoản đầu tư “nóng” không có tính ổn định vì rất dễ đảo chiều, gây bất ổn kinh tế. Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thị trường chứng khoán đang ngày càng có xu hướng gia tăng, ước đạt 300 triệu USD giá trị ròng trong năm 2012, tăng 25% so với 2011.
 
Lãi suất có hạ tiếp?
 
Lãi suất thị trường liên ngân hàng đang ở mức khá thấp và giảm nhẹ so với đầu năm 2013. Các lãi suất chủ chốt đều giảm nhưng vẫn chưa như mong đợi của doanh nghiệp. Cụ thể lãi suất tái cấp vốn giảm còn 8%, lãi suất tái chiết khấu còn 6% và trần lãi suất tiền gửi giảm còn 7,5%.
 
UBGSTCQG kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất để giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp. “Lạm phát cả năm 2013 nhiều khả năng sẽ dưới mức 7%. Tình hình trên tạo dư địa cho việc giảm lãi suất huy động xuống 7%, lãi suất cho vay xuống 10%”.
 
Ngoài ra, cần đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, sớm đưa công ty mua bán nợ (VAMC) đi vào hoạt động, chủ động đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ khu vực xây dựng và thị trường bất động sản; thực thi chính sách tỉ giá linh hoạt, hài hòa mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn.
 
Tại buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đánh giá việc hạ lãi suất cho vay là vấn đề không chỉ các doanh nghiệp quan tâm mà còn là mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.
 
Tuy nhiên, việc hạ trần lãi suất còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Vì vậy, trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ phấn đấu cho doanh nghiệp vay để phát triển sản xuất trong thời hạn từ 1 đến 3 tháng với mức lãi suất từ 9 đến 11%. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đồng thời ổn định tỉ giá VNĐ và hỗ trợ cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu, kinh doanh xăng dầu.
 
 
 
 
Minh Trí
Theo HQO 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo