Thị trường

Chỉ rót tiền thì khó cứu doanh nghiệp

Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua như một giải pháp cứu doanh nghiệp đang bên bờ vực. Dù đánh giá cao trách nhiệm của Nhà nước, Chính phủ nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng sự hỗ trợ đó còn khiêm tốn, mang tính chất động viên tinh thần là chính.

Trao đổi với PV, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm đánh giá: Chủ trương này của chính phủ rất đúng, nhưng phải làm thế nào để cụ thể hóa nhanh, rót đúng địa chỉ và hợp với điều kiện, mức độ mà doanh nghiệp yêu cầu.

 

- Trong các giải pháp hỗ trợ có gói giải pháp 29.000 tỷ đồng, gồm giãn thuế giá trị gia tăng (VAT), giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% tiền thuê đất cho doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu thụ hàng tồn kho cho doanh nghiệp… Ông đánh giá tác động của  gói hỗ trợ này ra sao với doanh nghiệp?



Gói hỗ trợ này phần nào giải quyết khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp. Nó cũng có giãn, hoãn như lần trước, nhưng lần này có thêm miễn giảm VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây chính là nét mới giúp doanh nghiệp giảm chi phí và đảm bảo quá trình khắc phục khó khăn thuận lợi hơn. Tuy nhiên, so với yêu cầu rất cấp bách của doanh nghiệp, gói giải pháp này cũng hơi muộn. Thêm nữa, trong 29.000 tỷ có đến 16.000 tỷ là giãn, hoãn, còn miễn giảm chỉ có 9.000 tỷ, kể cả thuế đất, thuế VAT.

 

Giãn, hoãn thì sau này có tiền mình cũng phải trả thì nó vẫn khó khăn. Ngoài ra, con số miễn, giảm rất cụ thể, nhưng số đó ít quá so với yêu cầu của doanh nghiệp hiện nay. Tất nhiên, gói này chỉ mang tính chất hỗ trợ thôi, còn giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp thì không được là bao. Mức động viên tinh thần, vật chất cũng ở mức độ khiêm tốn. Cũng không phải là yếu tố quyết định giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

 

- Các doanh nghiệp đón nhận thông tin này như thế nào, thưa ông?



Thực ra, các doanh nghiệp rất hoan nghênh chủ trương này của Chính phủ, nhưng họ vẫn chưa phấn khởi hoàn toàn, đón nhận trong tâm trạng chưa trọn vẹn. Tuy nhiên, họ đánh giá rất cao trách nhiệm của Nhà nước, của Chính phủ đối với doanh nghiệp trong lúc khó khăn này, tuy rằng sự hỗ trợ ấy rất khiêm tốn, mang tính chất động viên tình thần là chính.

 

- Theo ông những doanh nghiệp, ngành cụ thể nào nên được hỗ trợ?



Hướng giải quyết lần này của Chính phủ tập trung vào các nhóm hỗ trợ rất trúng, nhưng các nhóm đó rất rộng và đòi hỏi rất nhiều vốn, song khả năng miễn giảm, khả năng hỗ trợ ở gói này chỉ là phần rất nhỏ. Trong khi với tình hình hiện nay, các nhóm này là quan trọng nhất, có thể giúp giải quyết được khó khăn cơ bản của nền kinh tế nước ta.



- Chúng ta vẫn thường mắc lỗi là chủ trương đúng nhưng triển khai không như mong muốn. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?



Chủ trương đúng rồi nhưng phải làm thế nào cụ thể hóa nhanh, rót đúng địa chỉ và hợp điều kiện, mức độ mà doanh nghiệp đó yêu cầu. Nếu làm không đúng, sai lệch, hoặc sử dụng vào chỗ chưa cần thiết, theo lợi ích gì đấy thì tác dụng rất kém. Gói hỗ trợ này nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp đang “chới với”, nhưng cũng có thể rơi vào nhóm những doanh nghiệp vẫn sống khỏe, kể cả có hỗ trợ hay không. Nên bây giờ phải đánh giá thực tế, rót vốn phải đúng địa chỉ, kịp thời nếu không nguồn vốn hỗ trợ đã ít lại càng hạn chế hơn, và kết quả cũng sẽ càng bị thu hẹp lại.

 

- Việc giãn thuế, giảm thuế liệu có cứu được các doanh nghiệp? Sau gói hỗ trợ này, Chính phủ cần phải có những giải pháp gì tiếp theo để đưa doanh nghiệp phát triển?



Khó cứu lắm! Cứu doanh nghiệp không chỉ có thuế, thậm chí cả lãi suất. Lãi suất tuy giảm nhưng còn phải giải quyết vấn đề đầu ra, chi phí sản xuất, tiêu thụ hàng, sức mua… đó là những vấn đề đòi hỏi phải được giải quyết đồng bộ.

 

Bây giờ, nếu có lãi suất thấp rồi, giảm thuế rồi nhưng sản xuất hàng ra không tiêu thụ được, tồn kho, chi phí sản xuất vẫn “ghềnh” lên, khả năng tiêu thụ không có thì luân chuyển vốn không được, khả năng trì trệ vốn vẫn cứ kéo dài. Nên theo tôi, phải làm sao cho chi phí giảm xuống, sức mua tăng lên, làm thế nào hàng hóa tồn kho lưu thông bình thường, thông suốt thì khả năng tháo gỡ, giải quyết cơ bản mới được đảm bảo.

 

Theo ĐV

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo