Chỉ số giá tiêu dùng 2012: Mừng và lo
Đó là nhận xét của nhiều chuyên gia kinh tế tại hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường Việt Nam năm 2012, dự báo 2013 tổ chức hôm qua (27.12) tại Hà Nội.
Bất thường về chu kỳ và nhóm hàng hóa
Đánh giá về diễn biến chỉ số giá tiêu dùng năm 2012, Phó vụ trưởng vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê Ngô Thị Ánh Dương nhận xét: ở giai đoạn đầu năm, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) theo tháng tương đối ổn định. Tuy nhiên, ở giai đoạn nửa sau của năm, biên độ dao động của CPI theo tháng rất lớn, có những biến động bất thường, mức tăng giá không theo quy luật khi giá cứ tăng thấp dần vào cuối năm, tính từ tháng 9 với mức tăng lần lượt là 2,2%; 0,85%; 0,47% và 0,27%.
Về CPI cả năm so với cùng kỳ, nhiều nhóm hàng có mức tăng, giảm giá thay đổi nhiều so với năm trước, trong đó, lương thực, thực phẩm tăng thấp hơn mức tăng chung (năm nay tăng 3,26% và 8,14% trong khi năm trước là 29,34% và 18,58%. Trong khi đó, nhóm dịch vụ y tế - đóng góp nhiều nhất vào mức tăng CPI cả năm – đã có chuỗi điều chỉnh tăng 5 tháng liền, từ tháng 7 đến tháng 12.2012 với các mức tăng lần lượt là 4,65%; 7,71%; 23,87%, 7,78% và 6,66% (tính cả năm 2012, giá dịch vụ y tế tăng tới 45,23%). Mặt hàng xăng dầu cũng “đóng góp tích cực” khi tăng giá 6 lần, trong đó có tháng tăng tới 3 lần...
Viện trưởng viện Kinh tế tài chính, Nguyễn Ngọc Tuyến, chung nhận định: CPI giảm từ tháng 9 đến tháng 12 là hiện tượng bất thường. Ông phân tích: thông thường, quý IV là quý có tăng trưởng kinh tế lớn nhất, nhu cầu về sử dụng lao động, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, nhu cầu tiêu dùng cũng tăng lên, kéo giá cả tăng theo. “Nếu chỉ số giá tiêu dùng các tháng 1 và 2 năm 2013 tiếp tục tăng thấp hoặc giảm thì có thể đó là dấu hiệu cảnh báo về một khả năng rất khó khăn cho tăng trưởng kinh tế của năm 2013.
Chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Thanh, nhận định: việc giá dịch vụ y tế chiếm tỷ trọng có 6% trong rổ hàng hóa song nhóm mặt hàng này đã đóng góp tới 2,5% trong tổng số 6,81% mức tăng CPI cả năm, là do “việc quản lý giá các mặt hàng này chưa tốt, gây lạm phát kỳ vọng”.
Việc chỉ số CPI năm nay giữ ở mức tương đối thấp, theo chủ tịch hội Siêu thị TP Hà Nội Vũ Vinh Phú “có mừng, có lo”, bởi một trong những nguyên nhân dẫn tới kết quả này là do tổng cầu sụt giảm và điều này sẽ dẫn đến sản xuất tiếp tục đình đốn.
Yếu tố giảm thiếu bền vững
Năm 2013, phó vụ trưởng vụ Thống kê giá Ngô Thị Ánh Dương, cho rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 7 – 8% khá thách thức trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh trong nước và thé giới còn khó khăn, giá cả bất ổn. Một số điều chỉnh của chính sách giá cả, tiền tệ được bà Dương nhận định là sẽ tác động làm tăng CPI năm tới, bao gồm: tăng giá điện (từ 20.12.2012, giá điện cho tiêu dùng và sản xuất đã tăng 5%; tiếp tục tăng dịch vụ y tế theo Thông tư 04 của liên bộ Y tế - Tài chính; nới lỏng chính sách tiền tệ để giải cứu một số ngành kinh tế, làm tăng tổng phương tiện thanh toán.
Nguyên phó chủ tịch ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa, cũng cảnh báo: việc giá lương thực giảm suốt từ tháng giêng đến tháng 9, giá thực phẩm giảm từ tháng 3 đến tháng 10 năm 2012 một mặt giúp CPI năm nay không tăng cao, nhưng mặt khác cũng báo trước nguy cơ tăng giá trở lại vào năm 2013. Nguyên nhân, theo ông Nghĩa, khi giá cả liên tục giảm, người sản xuất lương thực, thực phẩm sau một thời gian thua lỗ sẽ bỏ ruộng, bỏ chuồng, làm thiếu hụt nguồn cung và sẽ lại dẫn tới một chu kỳ tăng giá sau đó.
Chung mối trăn trở về điệp khúc “được mùa mất giá” này, ông Vũ Vinh Phú còn lo ngại, năm nay bắt đầu xuất hiện nguy cơ trong hệ thống phân phối là các tổ chức, cá nhân nước ngoài thâm nhập sâu vào thị trường nội địa Việt Nam, đặt hàng, mua vét hàng hóa với bất cứ giá nào, sau đó vi phạm hợp đồng, ngừng tiêu thụ gây ảnh hưởng sản xuất hàng loạt của nông dân. Thị phần một số mặt hàng như thức ăn chăn nuôi, lợn giống, gà thịt... đang có khả năng bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm ngày càng lớn, dễ dẫn tới bị khống chế giá, ép giá... Để giải quyết bài toán này, ông Phú cho rằng phải quan tâm tới công tác dự trữ quốc gia những mặt hàng thiết yếu như năng lượng, vật tư chủ yếu, lương thực thực phẩm chủ yếu... đi đôi với thiết lập chuỗi sản xuất phân phối đủ mạnh của những nhóm mặt hàng đó, đảm bảo cung ứng chủ động, đầy đủ, ổn định với chi phí thấp nhất cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng xã hội kịp thời ứng phó với những biến động bên trong và bên ngoài.
“Mặc dù CPI năm nay giảm, nhưng chưa có yếu tố bền vững, nên kiềm chế giá cả vẫn là một thách thức cho năm tới”, bà Nguyễn Thị Kim Thanh nhận xét. Cụ thể như là giá thế giới, nay giảm, mai có thể sẽ lại tăng; cầu nội địa hiện thấp hơn nhiều dự báo, nhưng nếu kinh tế phục hồi sẽ gia tăng trở lại; cán cân thanh toán chưa đủ bền vững để hỗ trợ giảm sức ép về tỷ giá; năng suất, chất lượng nền kinh tế còn rất thấp; và CPI của chúng ta giảm song còn cao hơn nhiều nước trong khu vực. “Vì vậy, chúng ta chưa thể vội mừng được”, bà Thanh nhấn mạnh.
PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhấn mạnh, cần minh bạch hóa điều chỉnh chính sách mang tính nhạy cảm, như lãi suất, thuế, tỷ giá... để giảm thiểu đầu cơ hoặc các thỏa thuận ngầm giá cả để thu lợi bất chính. Mặt khác, cần công bố lộ trình điều chỉnh giá cả hàng hóa, dịch vụ công như giá điện, xăng dầu..., thay vì kiểu “tăng giá du kích” như chúng ta vẫn làm vừa qua. “Tại sao chúng ta lại có những quyết định tăng giá xăng dầu lúc 10g đêm, gây tò mò, căng thẳng cho người dân trong khi giới đầu cơ vẫn găm hàng từ trước đó nhiều ngày? Hay giá điện, trước sau khẳng định chưa tăng trong năm nay, rồi cuối tháng 12 tăng đùng một cái”, ông Lạng đặt câu hỏi.
Thảo Nguyên (Theo SGTT)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Thương lái gom hàng hoa phục vụ Tết
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024