Tin tức - Sự kiện

Chính phủ chỉ đạo chưa phạt xe không chính chủ

Trong khi chờ Bộ Công an ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định 71, lực lượng công an không được quyền xử lý vi phạm với xe chưa chuyển đổi chủ phương tiện.

Liên quan đến nghị định 71 về xử phạt xe không chính chủ, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 29/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay, chủ trương đưa vào luật quy định về việc sở hữu phương tiện chính chủ và chuyển quyền sử dụng phương tiện không phải vấn đề mới mà đã được đề cập đến trong nhiều văn bản pháp lý.

Tuy nhiên, khi tổ chức thực hiện trong thời gian vừa qua đã gây ra nhiều phản ứng.

Do đó, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ hôm nay, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an đánh giá việc tổ chức thực hiện để đề xuất giải pháp.

Phí giảm, thủ tục đơn giản

Bộ Tư pháp đã báo cáo với Chính phủ rằng việc quy định xử phạt hành vi này là cần thiết. Song, các bộ cũng đều nhìn nhận thực tế trong quá trình tổ chức thực hiện đã chưa thông báo rõ ràng với dân một số vấn đề nên đã gây ra cách hiểu chưa đúng.

Thứ nhất, người dân đã hiểu việc xử phạt hành vi không chuyển đổi chủ phương tiện thành “truy cứu xem người điều khiển phương tiện có phải là chủ phương tiện hay không”. Đây là việc thực hiện không đúng tinh thần của nghị định.

“Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an soạn thông tư để hướng dẫn thực hiện nghị định này cho đúng bản chất sự việc”, ông Đam nói. Trong khi chờ Bộ Công an ban hành thông tư hướng dẫn thì lực lượng công an không được quyền xử lý vi phạm với xe chưa chuyển đổi chủ phương tiện.

Vướng mắc thứ hai, theo ông Đam, là hiện nay chi phí khi sang tên đổi chủ tương đối cao, cộng với thủ tục chưa được đơn giản hóa nên khiến người dân khi làm chủ các phương tiện giá trị không cao lắm đã sang tên đổi chủ nhiều lần mà không làm thủ tục hợp lý. Để khắc phục hạn chế này, Chính phủ đã giao các bộ xem xét để có mức phí phù hợp và thủ tục đơn giản hơn.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng lưu ý, có nhiều chủ trương đúng song khi tuyên truyền chưa tốt thì dễ dẫn đến quá trình thực hiện sẽ khó khăn. Cũng theo ông Đam, rất mong người dân tham gia đóng góp ý kiến với các văn bản pháp lý ngay trong giai đoạn còn ở dạng “dự thảo” để phù hợp với thực tiễn.

Tiếp tục nghiên cứu về động đất Sông Tranh 2

Liên quan đến Thủy điện Sông Tranh 2, ông Đam cho biết, tuần qua Thủ tướng đã họp với các bên liên quan. Mặc dù các cơ quan chức năng thông báo rằng đập thủy điện đang an toàn song Thủ tướng vẫn yêu cầu chưa được tích nước.

Thủ tướng đã giao Bộ xây dựng chỉ định 1 tư vấn quốc tế có tên tuổi để đánh giá lại, xem xét vấn đề một cách khách quan, khoa học.

Về các sự cố động đất xảy ra vừa qua, ông Đam khẳng định, Chính phủ rất chia sẻ với người dân và cũng cho rằng phải đặt vào vị trí là cư dân sống tại khu vực này để từ đó đưa ra giải pháp phù hợp.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo phải tiến hành đánh giá toàn diện, đưa ra giải pháp nhằm bảo đảm cho người dân được an toàn. “Còn vấn đề có cho tích nước hay không phải căn cứ vào con số khoa học mới có kết luận cuối cùng”, ông Đam cho biết.

Về dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, Bộ trưởng Đam cho biết, Bộ Tài nguyên Môi trường vẫn đang xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường và chưa trình lên Chính phủ.

Tuy nhiên, Chính phủ luôn nhất quán nguyên tắc chung là các dự án phải đáp ứng được các yêu cầu về mức độ an toàn, cả về an toàn cho hồ đập lẫn an toàn tính mạng người dân.

“Dù có ích lợi đến mấy mà không đảm bảo an toàn tính mạng cho dân thì không làm”, ông Đam nhấn mạnh.

Ngoài ra, các dự án còn phải đáp ứng các yêu cầu khác như: về tái định cư cho dân, về đảm bảo môi trường. Đặc biệt, tất cả các công trình, dự án đều phải tuân thủ nghiêm ngặt và đúng quy trình pháp lý.

Về thông tin UNESCO đã đề nghị dừng dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, ông Đam nói, hiện ông chưa được đọc hồ sơ mà UNESCO gửi Chính phủ. Song, Chính phủ Việt Nam luôn trân trọng, lắng nghe với các ý kiến góp ý của các tổ chức quốc tế. Việc có quyết định xây dựng các dự án này hay không phải căn cứ vào các yêu cầu nêu trên với các dự án thủy điện.

Về các sai phạm của cán bộ tại Tâp đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Vũ Đức Đam cho hay, hội đồng kỷ luật đã tiến hành phiên họp trong tháng 11 vừa qua, song kết quả chưa được báo cáo lên Thủ tướng. Sẽ công khai thông tin khi có kết luận cuối cùng.
 

 

Hồng Lĩnh (Theo VietNamNet)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo