Chính phủ đốc thúc thu khoản nợ đọng 70.000 tỷ đồng tiền thuế
Ngày 27/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2015. Tại phiên họp, Chính phủ nghe báo cáo và thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2015, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và một số nội dung quan trọng khác.
Các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,07% so với tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng ước tăng 9,7%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm 2014, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi mạnh mẽ (IIP tăng 10,1%), tiếp tục là động lực chủ yếu của tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 9,4%, thể hiện niềm tin của người tiêu dùng và cầu của nền kinh tế tiếp tục tăng lên. Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 11 tăng 12,9% (so với tháng 10/2015), 11 tháng đạt 7,07 triệu lượt khách.
Tuy nhiên, một số vấn đề tồn tại như sản xuất và tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn; một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược giảm cả về lượng và giá trị; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn trở ngại; tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng từ đầu năm đến nay luôn tăng thấp hơn mức tăng của tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế; giải quyết việc làm, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế; tệ nạn xã hội một số nơi còn diễn biến phức tạp; nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống gây bức xúc trong nhân dân…
Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá kết quả đạt được là rất đáng mừng trong bối cảnh nền kinh tế đối diện không ít khó khăn, thách thức. “Nếu không có gì đột biến thì nhiều khả năng đạt mức tăng trưởng cao hơn 6,5% trong năm nay” - Thủ tướng nhận định, đồng thời yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nỗ lực để đạt kết quả cao nhất, tạo tiền đề, điều kiện để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2016 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu. Cuối tháng 12, Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến với tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.
Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tiếp tục tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Chủ động điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá, bảo đảm an toàn hệ thống. Tăng trưởng tín dụng gắn với bảo đảm chất lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý; bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhất là dịp cuối năm. “Tập trung chỉ đạo thu ngân sách trong tháng 12, nhất là cố gắng làm tốt công tác thu khoản nợ đọng 70.000 tỷ đồng tiền thuế để bảo đảm cân đối ngân sách. Coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cuối năm” - Thủ tướng lưu ý.
Bên cạnh đó, Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển kế hoạch năm 2015, phấn đấu hoàn thành theo đúng kế hoạch được giao. Tăng cường các giải pháp huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội, góp phần tăng tổng cầu, phát triển kinh tế - xã hội tạo đà cho năm sau. Thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tích cực huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược.
Cho rằng thời gian qua, việc thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã có kết quả tích cực nhưng không được hài lòng, thỏa mãn mà phải làm quyết liệt hơn. “Năm 2016 phải tiếp tục đà cải cách của năm 2015, đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam vào nhóm đầu trong ASEAN” - Thủ tướng nhấn mạnh; đồng thời cũng lưu ý cải cách thủ tục hành chính, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thì cũng cần bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của cộng đồng. “Cái nào cần thì vẫn phải kiểm soát, không được buông lỏng. Không thể vì thuận lợi cho một người, lợi ích của một người mà có hại cho nhiều người”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo kế hoạch được duyệt. Thực hiện các giải pháp đồng bộ đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng
Quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2024 ước đạt 36 tỷ USD