Phân tích

Cộng đồng kinh tế ASEAN: Cơ hội và thách thức!

(DNVN) - Cộng đồng kinh tế ASEAN là 1 trong 3 trụ cột quan trọng của ASEAN nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn ASEAN năm 2020, với sứ mệnh tạo dựng thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất; Khu vực kinh tế cạnh tranh; Phát triển đồng đều, xây dựng chiến lược để phát triển DNNVV, thiết lập khung chương trình chung cho các doanh nhân ASEAN và Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

Theo đánh giá của đại diện Viện Chính lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), với các mục tiêu trên của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), sẽ có những thuận lợi và thách thức nhất định đối với các nước ASEAN nói chung và với Việt Nam nói riêng.

Sân chơi chung cho các nước thành viên

 Viện Chính lược và Chính sách tài chính cho biết, AEC ra đời sẽ giúp tăng 5,3% phúc lợi cho khu vực (69 tỷ USD) do loại bỏ hàng rào phi thuế quan, giảm chi phí thương mại và tăng thu hút FDI. 

Kể từ năm 1947, khi Hiệp định thương mại và thuế quan (GATT) được ký kết, thuế nhập khẩu trên toàn thế giới đã được đàm phán giảm xuống liên tục, nhưng để đạt được con số 0% trên toàn thế giới hoặc xét riêng trong AEC thì ít nhất cũng phải mất 10 năm do có sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước. Mặc dù vậy, việc thuế nhập khẩu liên tục giảm đã tạo thuận lợi cho các nước thành viên.

Ảnh minh họa.

Tác động của AEC đối với từng nước thành viên sẽ khác nhau theo chủ thể hoặc lĩnh vực, ngắn hạn và dài hạn. Chính phủ các nước sẽ chịu tác động đến nguồn thu thuế và các loại phí, lệ phí. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng phát triển các ngành có lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh. 

Thể chế luật pháp, chính sách, cơ chế được hoàn thiện và các loại thủ tục được đơn giản hóa tối đa. Các doanh nghiệp chịu sức ép cạnh tranh do hàng hóa từ các nước thành viên di chuyển tự do. Cả nền kinh tế và doanh nghiệp có sự tái cơ cấu để thích nghi. Người tiêu dùng được hưởng lợi do giá cả thấp cũng như thu nhập được cải thiện.

Khi AEC được thành lập, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội mở rộng trao đổi thương mại, thu hút đầu tư dựa trên lợi thế của một thị trường mở, rộng lớn và bình đẳng. Thêm vào đó, khi thuế suất trong ASEAN giảm xuống 0%, doanh nghiệp các nước thành viên sẽ có điều kiện giảm chi phí, hạ giá thành hàng xuất khẩu, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Với mục tiêu hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, ASEAN đẩy mạnh đàm phán các FTA giữa ASEAN với các đối tác kinh tế lớn cũng như hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực, do đó, các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, với các đối tác ngoài ASEAN như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand.

Việc xây dựng ASEAN thống nhất, bớt chia cắt hơn sẽ khiến các nhà đầu tư nhìn ASEAN như một sân chơi chung, một công xưởng chung với khối nguồn lực thống nhất, đặc biệt là nguồn lực có kỹ năng với giá rẻ. Điều này mang lại cơ hội cho tất cả các nước thành viên ASEAN trong mở rộng đầu tư, hợp tác với các nền kinh tế lớn và phát triển.

 

Theo đánh giá của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, bên cạnh những thuận lợi mà AEC mang lại, các nước thành viên cũng phải đối mặt với một số thách thức.

Theo đó, khi AEC được thành lập, một bộ quy tắc ứng xử mới của AEC sẽ ra đời, do đó các nước đều phải hoàn chỉnh thể chế để vận hành cho phù hợp với bộ quy tắc mới của AEC. Các nước phải tổ chức lại bộ máy quản lý cho phù hợp với những quan hệ kinh tế mới và cách ứng xử mới được hình thành.

Trong thời gian đầu, các doanh nghiệp phải đầu tư thêm chi phí để chuyển hướng cho phù hợp với những quy định mới của AEC. Việc thành lập thị trường thống nhất khiến các doanh nghiệp gặp phải khó khăn về tính tương đồng. Khi tính tương đồng càng cao, áp lực cạnh tranh càng lớn. Việc cạnh tranh gay gắt sẽ dẫn đến tình trạng thôn tính lẫn nhau, lũng đoạn hoặc buộc phải sáp nhập, phá sản.

Ngoài ra, AEC sẽ ảnh hưởng nhất định đến văn hóa tiêu dùng do tác động của văn hóa giao lưu giữa các thành viên, làm mất bản sắc văn hóa tiêu dùng bản địa.

Động lực cho kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng

 

 Việc thành lập một thị trường chung thống nhất của ASEAN sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng và tiếp cận thị trường rộng lớn hơn với quy mô 600 triệu dân. ASEAN là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là động lực giúp nền kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng và xuất khẩu. 

Theo Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và ASEAN năm 2014 đã tăng so với năm 2013, cụ thể: Xuất khẩu đạt 19 tỷ USD, tăng 3,1%, chiếm 12,67% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; nhập khẩu đạt 23 tỷ USD, tăng 8,2%, chiếm 15,54% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Khi AEC được thành lập, các doanh nghiệp Việt Nam gặp thuận lợi trong lưu chuyển hàng hóa, do có thể bán hàng sang các nước ASEAN giống như bán hàng trong nước.

Việc tự do hóa, thuận lợi hóa đầu tư trong ASEAN, đối xử bình đẳng giữa nhà đầu tư ASEAN và nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp các nước thành viên ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng có cơ hội tăng cường thu hút vốn FDI từ cả các nước thành viên và các đối tác bên ngoài khối. 

Theo nghiên cứu, tính trong giai đoạn 2005 - 2011, tỷ lệ lợi nhuận FDI trung bình là 11% trong ASEAN trong khi trung bình thế giới là 6,9% và của các nước đang phát triển là 9,4%. Trong nghiên cứu của mình, tác giả cũng chỉ ra, nếu tính theo chỉ số hiệu quả FDI thực hiện, Việt Nam là nước có mức độ hấp dẫn FDI tương đối cao (3,7), chỉ xếp sau Singapore (7,9) và cao hơn mức trung bình của ASEAN (1,7). Do đó, khi dòng vốn FDI vào ASEAN có xu hướng tăng, Việt Nam có cơ hội thu hút FDI lớn hơn.

Với chính sách tự do hóa di chuyển lao động có kỹ năng trong AEC, người lao động có thêm nhiều cơ hội việc làm, đồng thời cũng có thêm cơ hội học hỏi, nâng cao trình độ và kỹ năng để nhận được mức thu nhập cao hơn.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội như đã phân tích, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cũng cho rằng, việc tham gia AEC cũng đặt ra một số thách thức đối với Việt Nam.

Theo đó, AEC sẽ tạo áp lực cạnh tranh gay gắt cho các sản phẩm và doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Doanh nghiệp nào sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ có chất lượng tốt, giá cả hợp lý, được người tiêu dùng lựa chọn thì sẽ đứng vững và phát triển. Ngược lại, doanh nghiệp sẽ không có chỗ đứng, bị đào thải và dẫn tới phá sản.

Các nước ASEAN như Singapore, Malaysia và Thái Lan mở cửa và phát triển nền kinh tế thị trường trước Việt Nam từ 20 - 30 năm, nên đã tích lũy kinh nghiệm quản lý, QTDN tốt hơn Việt Nam. Do vậy, để hội nhập trong sân chơi chung của AEC, vấn đề QTDN cũng là một thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Nguồn nhân lực Việt Nam tuy có ưu thế là dồi dào và lực lượng lao động trẻ nhưng chất lượng lao động còn thấp hơn so với Malaysia và Thái Lan. Do đó, khi AEC thành lập, nguồn nhân lực của các nước ASEAN được tự do di chuyển, các nước có nguồn nhân lực chất lượng tốt có nhiều cơ hội hơn, trong khi những nước có nguồn nhân lực chất lượng thấp hơn sẽ gặp khó khăn.

Khi AEC được thành lập, nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam với các nước sẽ tăng. Do vậy, áp lực về đầu tư nâng cấp hệ thống HTCS của Việt Nam sẽ lớn hơn. Đây cũng được xem là thuận lợi đối với các nước đã có hệ thống HTCS phát triển nhưng lại là thách thức đối với Việt Nam.

 

Theo TBKTSG, Cộng đồng kinh tế ASEAN, viết tắt là AEC (Asean Economic Community), kết nối nền kinh tế của 10 quốc gia ASEAN với quy mô dân số khoảng 630 triệu người, được kỳ vọng sẽ giúp khu vực này cạnh tranh hiệu quả hơn với hai nền kinh tế lân cận Trung Quốc và Ấn Độ.

Cộng đồng kinh tế ASEAN–được 10 nhà lãnh đạo ASEAN ký tuyên bố chính thức vào sáng 22/11 trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2015 tại Kuala Lumpur, Malaysia - cũng là một phần của Cộng đồng ASEAN (ASEAN Community) rộng lớn hơn, là một trong 3 “cột trụ” của Cộng đồng ASEAN bên cạnh hai cột trụ về chính trị-an ninh và văn hóa-xã hội.

Thủ tướng nước chủ nhà của hội nghị ASEAN, ông Najib Razak, ca ngợi sự ra đời của Cộng đồng ASEAN là “thành tựu cột mốc” và thôi thúc các nước thành viên đẩy nhanh hơn tiến trình hội nhập.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo