Chính phủ giải đáp 3 vấn đề kinh tế lớn
Ba vấn đề kinh tế lớn liên quan đến khả năng trả nợ của Chính phủ, việc “nới room” cho nhà đầu tư ngoại trong lĩnh vực ngân hàng và việc giá bất động sản bị đội lên vì các loại phí là những vấn đề nổi bật được báo giới chất vấn người phát ngôn Chính phủ Nguyễn Văn Nên.
Trong văn bản trả lời các băn khoăn của báo chí ngày 25/4, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, ông nhận được câu hỏi từ báo giới rằng: “Chính phủ đang tính phát hành trái phiếu đồng nghĩa với việc đi vay để trả nợ - thể hiện thiếu năng lực trả nợ?”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho hay, khi trình Quốc hội thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015, các phương án bảo đảm cân đối ngân sách, bù đắp bội chi, trả nợ đều đã được Chính phủ thảo luận kỹ, có phương án dự phòng khả thi, chủ động trong điều hành.
Về việc vay để trả nợ, đây là biện pháp nghiệp vụ thông thường, phù hợp với thông lệ quốc tế để cơ cấu lại các khoản nợ theo hướng bền vững, hiệu quả hơn, không làm tăng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp, không vượt trần nợ công quy định và thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2015, trong đó tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay hiện nay bằng các khoản vay mới với lãi suất thấp hơn, kỳ hạn vay dài hơn.
Thực tế vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của giá dầu thô thế giới giảm mạnh, nhưng tình hình thu, chi Ngân sách Nhà nước đến nay đạt khá. Tổng thu Ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm đạt 34,5% dự toán, tăng khá so với cùng kỳ một số năm gần đây, bảo đảm chi trả kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi theo đúng dự toán, chế độ quy định và tiến độ thực hiện.
Để chủ động ứng phó với việc giảm thu ngân sách do giá dầu giảm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 06/CT ngày 21/4/2015 về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2015; đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, hoạt động thu chi ngân sách Nhà nước, tình hình thị trường tiền tệ để chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối ngân sách Nhà nước.
Đối với câu hỏi: “Việt Nam đang sửa đổi và sẽ sớm ban hành Nghị định cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của các ngân hàng thương mại Việt Nam với tỷ lệ lớn hơn mức trần 30% hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định, hiện nay, theo quy định, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.
Trong thời gian tới, nằm trong lộ trình tổng thể hội nhập quốc tế của Việt Nam, căn cứ trên các thoả thuận, cam kết mở cửa tại các hiệp định thương mại song phương và đa phương đối với từng ngành, lĩnh vực kinh tế cụ thể; tiếp tục tạo môi trường chính sách thuận lợi, thông thoáng, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, kinh doanh lâu dài, thành công tại Việt Nam…
Đồng thời triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, đổi mới quản trị và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng, Chính phủ sẽ xem xét quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp nói chung và ngân hàng thương mại nói riêng.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi quy định hiện hành theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Đối với lĩnh vực bất động sản, trước băn khoăn của báo giới về việc "thực hiện bảo lãnh giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/7/2015, đang khiến nhiều doanh nghiệp và khách hàng lo lắng về các chi phí bảo lãnh sẽ làm giá bất động sản tăng cao", Bộ trưởng Nên lý giải như sau.
Việc thực hiện bảo lãnh giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai đã được quy định trong Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Cụ thể, khi chủ đầu tư dự án bất động sản bán, cho thuê mua nhà hình thành trong tương lai mà đã được ngân hàng bảo lãnh, nếu vì lý do nào đó mà chủ đầu tư không bàn giao nhà ở cho khách hàng theo đúng tiến độ đã cam kết và bên mua, bên thuê mua nhà ở có yêu cầu thì ngân hàng có trách nhiệm hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho khách hàng.
Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn những nội dung liên quan của Luật và gửi lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức liên quan, trong đó có nội dung về bảo lãnh bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Theo đó, phí bảo lãnh sẽ do chủ đầu tư dự án trả cho ngân hàng, mức độ cao hay thấp phụ thuộc vào năng lực, uy tín của chủ đầu tư dự án và sẽ được tính vào giá bán, giá cho thuê mua nhà ở.
Theo VNECONOMY
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững
Cột tin quảng cáo