Tin tức - Sự kiện

Chính phủ họp phiên thường kỳ cuối cùng trong năm

Nếu môi trường đầu tư không đổi mới thì Việt Nam sẽ bị tụt hậu và không cạnh tranh được.

Sau Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với lãnh đạo chủ chốt các địa phương, chiều 26/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12. Đây là phiên họp Chính phủ thường kỳ cuối cùng trong năm 2012.

Các thành viên Chính phủ đã đóng góp ý kiến vào Tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Đề án “Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài đến năm 2020” và Một số vấn đề bất cập hiện nay trong hoạt động đầu tư nước ngoài.

Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng tình với nhận định đến thời điểm này chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài không còn phù hợp với thực tiễn và cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Nếu môi trường đầu tư không đổi mới thì Việt Nam sẽ bị tụt hậu và không cạnh tranh được.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Định hướng mục tiêu yêu cầu thu hút đầu tư nước ngoài thống nhất cao là không trải thảm đỏ cho những dự án đầu tư vào công nghệ thấp, ảnh hưởng đến môi trường, tiêu tốn năng lượng và chỉ thu hút những lao động giản đơn. Bây giờ là phải đầu tư vào công nghệ cao có lợi tổng thể. Cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh, phát triển nhanh bền vững, công nghiệp hóa hiện đại hóa”.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài, nhất là chính sách thuế, mặt bằng, giá đất, hạ tầng ngoài hàng rào, bảo lãnh ngoại tệ cũng như khắc phục những bất cập trong phân cấp đầu tư và cải cách mạnh thủ tục hành chính… Thủ tướng cũng lưu ý lĩnh vực cụ thể nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì đưa vào Nghị quyết để có thể khai ngay.

Các thành viên Chính phủ cũng thảo luận, đóng góp lần đầu về Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án thành lập công ty quản lý tài sản. Đến ngày 26/12, nợ xấu khoảng 200.000 tỷ đồng, trong đó nợ xấu có tài sản đảm bảo khoảng 170.000 tỷ đồng. Trong nợ xấu có tài sản đảm bảo này có gần 70 % liên quan đến bất động sản. Theo đề án thì Công ty quản lý tài sản sẽ xử lý khoảng một nửa nợ xấu có tài sản thế chấp, còn lại là hệ thống tín dụng tự trích lập dự phòng rủi ro tự xử lý được khoảng 50.000 tỷ đồng…. Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản xử lý nợ xấu trong hệ thống tổ chức tín dụng.

Ý kiến của một số thành viên Chính phủ cho rằng, xử lý nợ xấu trong hệ thống tổ chức tín dụng đặt trong tổng thể giải quyết nợ xấu của nền kinh tế; đề án không sử dụng nguồn và ngân sách nhà nước; đánh giá thực trạng tài sản bảo đảm cả về nguồn gốc, giá trị pháp lý và khả năng thanh khoản… Nợ xấu phải xử lý, nếu chậm chễ thì thiệt hại lớn không chỉ đối với ngân hàng mà đối với cả với nền kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, kinh nghiệm của thế giới và đặc biệt là từ thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện đề án, nhất là làm rõ mục tiêu, nguyên tắc lớn và các nhóm giải pháp cụ thể để triển khai trên tinh thần xông vào thực tiễn để giải quyết rồi từng bước rút kinh nghiệm, bổ sung và hoàn thiện. Ngân hàng Nhà nước kiên quyết yêu cầu các ngân hàng thương mại trích lập đủ dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu…

Cũng trong phiên họp, Chính phủ góp ý kiến xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho 23 huyện có tỷ trọng nghèo cao được áp dụng một số cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với 62 huyện nghèo.

Các bộ ngành liên quan cũng báo cáo Chính phủ về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đầu tranh phòng chống tham nhũng trong năm nay; công tác cải cách hành chính và tình hình thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam năm 2012./.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo VOV)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo