Chính phủ: kinh tế phát triển tích cực
Báo cáo của Chính phủ khẳng định, tình hình kinh tế xã hội trong 9 tháng đầu năm nay tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực; tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước. Tuy vậy Quốc hội vẫn chưa đồng thuận với nhận định này.
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015 sẽ là một trong các nội dung chính mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trình bày trong kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa 13 khai mạc ngày 20/10.
Đây là báo cáo được đặc biệt quan tâm trong ngày đầu tiên của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 13 dự kiến sẽ kéo dài 33 ngày từ 20/10 đến 28/11 tại tại tòa nhà Quốc hội mới.
Theo kế hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, thay mặt Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.
Nhận định về tình hình kinh tế xã hội cả nước của Chính phủ và Quốc hội vẫn còn vênh nhau tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây để xem xét hai báo cáo trên. Trong khi Chính phủ khẳng định kinh tế tiếp tục tích cực thì Quốc hội vẫn tỏ ra hoài nghi với nhận định đó.
Báo cáo của Chính phủ khẳng định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm, thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định, thu ngân sách nhà nước đạt khá hơn dự toán. Trong khi đó, một số vấn đề xã hội cũng có bước cải thiện.
Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tăng cường.
Báo cáo của Chính phủ khẳng định Chính phủ sẽ điều hành chính sách tiền tệ để điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý, tăng cường khuyến khích đầu tư để góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế.
Về mục tiêu tổng quát năm 2015, báo cáo khẳng định tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong khi vẫn nỗ lực tái cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tại kỳ họp này, Quốc hội dành 2/3 thời gian cho công tác xây dựng luật: xem xét, thông qua 18 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến lần đầu với 12 dự án luật khác. Đây là kỳ họp có số lượng dự án luật được Quốc hội thông qua và cho ý kiến nhiều nhất từ trước tới nay.
Quốc hội cũng cho ý kiến về Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH2013 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015”; Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo kế hoạch, trong ngày 20/10 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ trình bày báo cáo về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.
Về phía Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách Phùng Quốc Hiển sẽ trình bày báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.
Theo TBKTSG
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự báo đạt kỷ lục
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo