Ngân hàng và trung gian thanh toán cam kết giảm, miễn phí thanh toán dịch vụ công đến hết năm 2021
Make in Viet Nam để làm chủ công nghệ, không thì không thể hùng cường thịnh vượng / Chuyển đổi số y tế cơ sở: Doanh nghiệp CNTT khi triển khai hứa hẹn rất nhiều, nhưng thực tế không làm được
Ngày 30/12/2020, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã tổ chức sơ kết 1 năm vận hành Cổng dịch vụ công Quốc gia (Cổng DVCQG) và công bố 4 dịch vụ công, nâng tổng số thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công lên 2.700. Việc tích hợp, cung cấp 4 dịch vụ công này có thể giúp tiết kiệm chi phí cho xã hội khoảng 1.376 tỷ đồng/năm, nâng tổng chi phí tiết khiệm thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG từ khi triển khai đến nay khoảng 8 nghìn tỷ đồng/năm.
Hướng tới mục tiêu, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức và cơ quan thẩm quyền trong cung cấp dịch vụ công và đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) thông qua việc ứng dụng CNTT, ngày 9/12/2019, Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG) chính thức được khai trương.
Cổng DVCQG trở thành địa chỉ kết nối, cung cấp thông tin về TTHC và dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá việc giải quyết TTHC, dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc.
Từ 8 dịch vụ công được cung cấp từ thời điểm khai trương, đến ngày 30/12/2020 đã có 2.700 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số gần 6.700 TTHC tại 4 cấp chính quyền (đạt tỷ lệ 39%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 9%).
Đến nay, Cổng DVCQG có hơn 99 triệu lượt truy cập, hơn 412.000 tài khoản đăng ký; hơn 27,2 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 719.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến và hơn 46.000 giao dịch thanh toán điện tử; tiếp nhận, hỗ trợ trên 43.800 cuộc gọi phản ánh, kiến nghị.
Chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG là hơn 6.700 tỷ đồng/năm.
Sau 1 năm vận hành, đến nay Cổng DVCQG ngày càng trở trở thành cầu nối tin cậy, thiết thực và hiệu quả giữa cơ quan Nhà nước với người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa thủ tục hành chính, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng Chính phủ không giấy tờ và là một trong những giải pháp quan trọng phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Cổng DVCQG được triển khai vận hành trên nền tảng thanh toán đã kết nối với 4 ngân hàng (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV), 6 trung gian thanh toán trong đó có Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam - NAPAS và Hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia (Keypay). Các hệ thống này cho phép cá nhân, tổ chức có thể thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt từ tài khoản của 43/46 ngân hàng (trừ một số ngân hàng của nước ngoài) đối với 5 loại hình thanh toán gồm thu phạt vi phạm giao thông; phí, lệ phí thủ tục hành chính; nộp thuế; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đóng tiền điện đối với dịch vụ tại 12 Bộ, ngành và 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
NAPAS là một trong số các đơn vị được nhận Bằng khen trong việc kết nối, cung cấp dịch vụ thanh toán trên cổng Dịch vụ công quốc gia trong năm 2020.
NAPAS với vai trò đơn vị cung cấp hạ tầng thanh toán bán lẻ cho nền kinh tế. Thực hiện nhiệm vụ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao triển khai tích hợp với Cổng DVCQG và hoàn thành kết nối tới Cổng DVCQG gia sau 20 ngày kể từ khi bắt tay chính thức. Đến nay, NAPAS đã kết nối và cung cấp dịch vụ thanh toán bằng thẻ, tài khoản ngân hàng cho các dịch vụ công thiết yếu gồm: Nộp BHXH, BHYT; Nộp phạt vi phạm giao thông; Nộp nghĩa vụ tài chính đất đai. Với kết quả này, 100 triệu chủ thẻ của hơn 40 ngân hàng thành viên NAPAS được tiếp cận dịch vụ công cấp độ 4 qua Cổng DVCQG.
Trong năm 2020, ứng phó với đại dịch Covid-19, NAPAS đã đồng hành với các ngân hàng thương mại, thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội thông qua các chương trình miễn giảm phí dịch vụ thanh toán trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp đối với các giao dịch thanh toán trực truyến gồm các giao dịch thanh toán dịch vụ công thực hiện trên Cổng DVCQG, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương. Qua 2 lần thực hiện giảm phí, 63% số lượng món giao dịch thanh toán liên ngân hàng được miễn/giảm phí dịch vụ với tổng mức phí giảm trong năm 2020 lên đến 1.004 tỷ đồng.
Với những đóng góp tích cực trên, NAPAS là một trong các đơn vị được Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tặng Bằng khen ghi nhận nỗ lực của NAPAS trong việc kết nối, cung cấp dịch vụ thanh toán trên cổng Dịch vụ công quốc gia trong năm 2020.
Các đơn vị ký cam kết đồng hành xây dựng, vận hành, phát triển dịch vụ công quốc gia.
Số liệu thống kê các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống bù trừ và chuyển mạch của NAPAS năm 2020 tăng 75% về số lượng và 121% về giá trị so với 2019. Các giao dịch chi tiêu tiền mặt giảm xuống rõ rệt, số lượng các giao dịch sử dụng tiền mặt (rút tiền ATM) ghi nhận qua hệ thống NAPAS giảm từ 42% năm 2019 xuống còn 26% năm 2020.
Tại hội nghị, NAPAS và một số ngân hàng, trung gian thanh toán đã ký cam kết đồng hành, xây dựng, phát triển Cổng DVCQG, trong đó có cam kết giảm, miễn phí các giao dịch thanh toán DVC hết 2021.
Trong năm 2021, NAPAS tiếp tục ưu tiên tập trung nguồn lực thực hiện mở rộng dịch vụ thanh toán phí, lệ phí dịch vụ công cho tất cả các địa phương đã kết nối đến Cổng dịch vụ công Quốc gia, song song sẽ tiếp tục mở rộng thanh toán cho học phí, viện phí, các dịch vụ công của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng theo lộ trình của VPCP.
End of content
Không có tin nào tiếp theo