Thị trường

Chính phủ và 5 bộ lại 'chia' trách nhiệm giám sát Vinalines

Trước sai phạm về quản lý, sử dụng vốn tại Vinalines trong thời gian qua, điều lệ lần này đã quy định rõ, ngoài trách nhiệm chính của chủ sở hữu là Chính phủ, có đến 5 bộ chuyên ngành khác cũng phải tham gia trực tiếp giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vinalines, là các bộ Giao thông Vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ.
Điều lệ cũng quy định,Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ bị giải thể nếu kinh doanh thua lỗ kéo dài nhưng chưa lâm vào tình trạng phá sản.
Ngoài ra, trong trường hợp tổng công ty không thực hiện được các nhiệm vụ do nhà nước quy định sau khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết hoặc Chính phủ nhận thấy việc tiếp tục duy trì Vinalines là không thực sự cần thiết thì cũng sẽ tiến hành thủ tục giải thể tổng công ty.
 
Đáng chú ý, trong trường hợp chủ nợ có yêu cầu thanh toán nợ đến hạn phải trả mà Vinalines lâm vào tình trạng không có khả năng thanh toán được thì Tổng giám đốc Vinalines phải nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho Tổng công ty.
 

Vinalines vẫn hoạt động trong các ngành nghề chính như: kinh doanh vận tải đường biển, đường thuỷ nội địa, đường bộ...

Hiện Vinalines có vốn điều lệ 10.693 tỷ đồng, sẽ hoạt động trong các ngành nghề chính như: kinh doanh vận tải đường biển, đường thuỷ nội địa, đường bộ, đa phương thức, khai thác cảng biển, cảng sông, kinh doanh kho bãi, dịch vu logistics…
 
Về trách nhiệm quản lý, giám sát với Vinalines, Vinashin được nhắc đến trên nhiều diễn đàn trong suốt thời gian qua.
 
Mới đây trên diễn đàn Quốc hội, một lần nữa đại biểu Dương Trung Quốc nhắc lại: “Trong ký ức của người dân vẫn còn nóng hổi biết bao vụ tài sản có cả những tín phiếu chính phủ phát hành quốc tế đã thất thoát cùng Vinashin.
 
Những món tiền khổng lồ mà chỉ một người đứng đầu Vinalines có thể định đoạt mua một khối sắt vụn theo trên trời để tham ô. Cán bộ của ngân hàng có vốn nhà nước có thể dễ dàng lừa khách hàng của mình 4 ngàn tỉ một cách dễ dàng.
 
Cho dù những vụ việc này sắp được đưa ra vành móng ngựa thì lòng tin của nhân dân đòi hỏi Quốc hội phải cẩn trọng hơn nữa, không phải là bó tay Chính phủ, mà là ủng hộ Chính phủ bằng chính trách nhiệm của mình”, đại biểu Quốc dẫn ví dụ đầy đau xót về thất thoát nguồn vốn.
 
Dù để thất thoát nguồn vốn, từ một doanh nghiệp thua lỗ chồng chất, nợ trên 80.000 tỷ đồng, Vinashin lột xác thành một doanh nghiệp hoàn toàn mới - SBIC, không có lỗ lũy kế, có vốn điều lệ 9.520 tỷ đồng. Ngành nghề chính vẫn là đóng mới tàu thủy, hoán cải tàu thủy, tư vấn, thiết kế tàu thủy…
 
Ngoài ra, tổng công ty còn có nhiệm vụ khai thác cảng biển, cảng thủy nội địa, bến tàu, cầu tàu; kinh doanh hoạt động lai dắt, tàu kéo, tàu đẩy, xà lan, phương tiện nổi...
 
SBIC cũng hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình thủy, nhà máy đóng tàu; sản xuất chế tạo kết cấu thép và các ngành, nghề sản xuất phụ trợ phục vụ trực tiếp cho ngành đóng mới và sửa chữa tàu thủy.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo