Chính phủ yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến thị trường, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá, thúc đẩy xuất khẩu; thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng gắn với bảo đảm chất lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý; đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, tăng cường kiểm soát và xử lý nợ xấu.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn, nhất là các chương trình, dự án quan trọng, cấp bách sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường triển khai quyết liệt việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước trong những tháng còn lại của năm 2015; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn vay; thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý chặt chẽ nợ công; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là dịp cuối năm.
Trước đó, theo báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến ngày 25/8, tín dụng nền kinh tế tăng 9,54% so với cuối năm 2014, cao hơn nhiều mức tăng 4,33% của cùng kỳ năm 2014.
Theo đó, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn của các TCTD (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đến cuối tháng 8/2015 ước đạt 811.638 tỷ đồng, tăng 9% so với 31/12/2014.
Dư nợ cho vay đối với 4 lĩnh vực ưu tiên còn lại tính đến cuối tháng 6/2015: Cho vay lĩnh vực xuất khẩu đạt 184.596 tỷ đồng, tăng 4,99%; cho vay lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 25.614 tỷ đồng, tăng 29,12%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt 110.620 tỷ đồng, tăng 3,2% và doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 976.729 tỷ đồng, tăng 4,07% so với cuối năm 2014.
Như vậy, dòng vốn tín dụng đã chảy mạnh vào các lĩnh vực ưu tiên, đúng với chỉ đạo của Chính phủ. Tình hình huy động vốn cũng khá ổn định, tính đến cuối tháng 8, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 7,26%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo