Chính quyền địa phương giấu nghèo vì bệnh thành tích?
“Nếu địa phương nào làm như vậy là trái với chính sách tốt đẹp về người nghèo của Đảng và Nhà nước, bình xét không vì thành tích, tỉ lệ mà phải thực chất trên thực tế số hộ nghèo đến đâu”.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền chia sẻ tại Chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 12/10:
Một người dân cho biết: "Việc bình xét hộ nghèo của xóm tôi được thực hiện theo cách xoay vòng". Tức là nhà này được thì năm sau nhường nhà khác. Người dân đặt câu hỏi: "Làm sao lại có thể luân phiên, cào bằng như vậy khi một số hộ có của ăn của để lại được đưa vào hộ nghèo? Trong khi nhà tôi là hộ nghèo thì có nhiều năm không được hưởng chế độ?"
Quy định về rà soát hộ nghèo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu rõ từng cơ sở, thôn, bản phải xác lập danh sách hộ nghèo, trên cơ sở đó bình xét có sự tham gia của cấp ủy, các tổ chức đoàn thể sau đó công khai.
Đơn vị làm xoay vòng được xếp vào dạng hộ nghèo là hoàn toàn trái với quy định của Nhà nước. Dứt khoát những trường hợp này phải xem xét lại cho phù hợp.
Một cán bộ xóm tại Nghệ An cho biết: Trong xóm có hơn 100 hộ, phải có đến gần 40% thuộc diện hộ nghèo. Xóm có đưa vào danh sách nhưng xã không chấp thuận. Lúc đầu xã áp xuống số hộ nghèo là 11, sau nâng lên thành 13. Nghĩa là xã đặt chỉ tiêu 12% hộ nghèo, chứ dân nghèo nhiều quá lại ảnh hưởng đến thành tích. Bộ trưởng có cách nào để xử lý căn bệnh thành tích này để những người nghèo thực sự được hưởng chế độ của mình?
Nếu địa phương nào làm như vậy là trái với chính sách tốt đẹp về người nghèo của Đảng và Nhà nước, vì bình xét là không vì thành tích, tỉ lệ mà phải thực chất trên thực tế số hộ nghèo đến đâu, như vậy tỉ lệ vừa nêu dứt khoát không được công nhận.
Tôi đề nghị chính quyền cấp trực tiếp phải kiểm tra xem xét lại, nếu cần thiết phải hủy kết quả ấy vì dẫu có tỉ lệ lên 16,17% thực chất có những nơi lên đến 30-40% thì vẫn nằm trong diện nghèo và phân theo chuẩn nghèo của Nhà nước quy định.
Một số người dân ở huyện Cần Giờ, TP HCM phản ánh: "Vừa qua, các hộ được nhận một khoảng tiền bồi thường ô nhiễm môi trường, trả một lần. Ngay sau đó, xã đã tính gộp khoản bồi thường này vào thu nhập của chúng tôi khiến chúng tôi không còn là hộ nghèo nữa. Theo Bộ trưởng, việc làm này có đúng hay không?"
Đối với những trường hợp này, thứ nhất để tính tổng thu nhập của 1 người/năm trong Thông tư đã hướng dẫn rất rõ bao gồm tất cả các loại thu nhập kể cả thưởng, tặng, cho bình quân trong năm, vì hộ nghèo là xét theo năm.
Vì vậy, trên cơ sở đó địa phương sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể, còn diện nghèo hoặc hộ thoát nghèo thì việc cụ thể thì tại các địa phương sẽ phải giải quyết.
Một người dân khác chia sẻ: "Cứ vào dịp tháng 10 hằng năm các thôn, làng, cụm dân cư chỗ tôi lại “chạy đua” trong cuộc rà soát bình xét hộ nghèo. Bên cạnh một số hộ không thể thoát nghèo, thì không ít hộ có tư tưởng không muốn thoát nghèo, thậm chí còn thể hiện rõ quyết tâm “bám trụ” hộ nghèo để tiếp tục nhận ưu đãi của Nhà nước. Bộ có chính sách như thế nào để người dân nâng cao ý thức phấn đấu thoát nghèo, đồng thời có sinh kế để thoát nghèo bền vững?"
Việc “chạy” hộ nghèo, Bộ đã nhận được một số phản ánh tại một số địa phương. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu xem xét lại thực thế này, mà nguyên nhân trực tiếp là khi ở diện hộ nghèo thì được hỗ trợ chính sách miễn giảm học phí, nhà ở…Vì vậy, họ muốn ở lại diện hộ nghèo.
Tôi cho rằng, đây là chính sách hỗ trợ những người khó khăn làm cho họ chủ động vươn lên là chính, với 2 nhóm chính là hỗ trợ giúp vay vốn, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, hay cho vay cho con đi học thì sẽ tiếp tục được phát huy. Còn trong năm nay và năm 2015, các chính sách cho không trực tiếp sẽ dần phải giảm đi. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2016, tiêu chí về hộ nghèo tính trên phần thu nhập cũng sẽ không phù hợp.
Vì vậy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ đề xuất với Chính phủ nghiên cứu chuẩn nghèo đa chiều và đang xin ý kiến của các tổ chức, cá nhân, địa phương để làm cơ sở xác định chuẩn nghèo đa chiều và áp dụng trong giai đoạn 2016-2020.
Một người dân ở Cà Mau cho biết: "Vừa rồi ở thành phố tôi bà con xót xa, bàng hoàng trước vụ việc một người phụ nữ vì quá nghèo mà đã phải chọn cách tự tử vì không có tiền cho con ăn học. Chính quyền nói thu nhập của mỗi khẩu nhà chị là 600.000 đồng/tháng nên chưa đến chuẩn để xét hộ nghèo hay cận nghèo. Nhưng với vật giá hiện nay, để sống và cho con đi học kể cả 600.000 đồng cũng không thể nào đảm bảo được. Liệu chuẩn xét hộ nghèo có thể được nâng lên phù hợp với thực tế, khi mà giá cả ngày càng tăng như hiện nay?"
Theo tôi được biết, trường hợp người phụ nữ chết ở Cà Mau không phải vì nghèo mà theo báo cáo của địa phương và ngành Lao động, Thương binh và Xã hội là do phụ nữ đó bị bệnh tâm thần.
Thứ hai, những vấn đề về con đi học thì có chế độ miễn giảm học phí, rồi cho vay khi học đại học qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để nâng chuẩn nghèo, để đa dạng hóa, đa chiều chuẩn nghèo hơn, khi đó sẽ giải đáp những vấn đề còn đang bất cập hiện nay.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Cột tin quảng cáo