Chính quyền 'lật kèo': Bến xe tư nhân bị "đói" khách
Nhiều bến xe tư nhân đẹp và hiện đại như sân bay, nhưng oái ăm thay đang bị rơi vào cảnh “đói” khách, thậm chí bỏ hoang. Các chủ bến cho rằng, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương chưa làm tròn trách nhiệm, “lật kèo” quy hoạch bến và luồng tuyến… Trong bối cảnh đó, chỉ hành khách chịu thiệt trước chất lượng dịch vụ à uôm.
Chính quyền lật kèo?
Ngày 27/6, tại Đà Nẵng, lần đầu tiên, Bộ GTVT tổ chức một diễn đàn cho hơn 150 chủ các bến xe tư nhân, bến xe xã hội hóa trên cả nước. Đây cũng là hội nghị lớn nhất về bến xe khách từ trước đến nay.
Trước sự nở rộ của các bến xe tư nhân hiện đại (nhưng kèm với đó nhiều phức tạp phát sinh), ngay đầu cuộc họp, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng và Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ (phụ trách mảng vận tải) động viên các chủ bến nói hết sự tình để sớm đưa ra các giải pháp tháo gỡ.
Được lãnh đạo Bộ GTVT “cho nói”, nhiều ông chủ bến tư nhân đồng loạt tố khổ.
Ông Nguyễn Hữu Luân, đại diện Cty Phương Trang Đà Lạt, kể: Doanh nghiệp ông đầu tư 50 tỷ đồng xây dựng bến xe được ví như “nhà ga hàng không mặt đất” tại Đà Lạt. Tuy nhiên, đến nay bến vắng hoe, thu không đủ bù chi.
Trong khi đó, tại đây vẫn còn nhiều bến xe dù. Điều vô lý là, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng lại chấp thuận cho một doanh nghiệp khác lập một bến xe (không nằm trong quy hoạch) gần đó.
“Tôi đã chất vấn nhiều, nhưng Sở GTVT Lâm Đồng nói họ có quyền điều chỉnh quy hoạch. Nếu biết trước thế này, không bỏ một xu nào để đầu tư. Nhà nước phải như một trọng tài mẫu mực, chứ đừng thiên vị” - ông Luân nói.
Ít người biết, lúc đầu bến xe này mang thương hiệu của doanh nghiệp, nhưng khi bến xây xong khang trang, chính quyền địa phương thấy đẹp nên đề nghị lấy tên của địa phương. Cty Phương Trang chấp thuận điều này.
Đại diện Tập đoàn Đức Long Gia Lai-nhà đầu tư bến xe phía Nam thành phố Đà Nẵng cũng bộc bạch về thảm cảnh một bến xe có cơ sở vật chất đáng mơ ước, nhưng chỉ có 2 chuyến xe/ngày.
“Bến vắng hoe, cơ sở vật chất xuống cấp, rêu mốc, cán bộ công nhân viên ít việc nghỉ hết. Thu không có, nhưng lãi ngân hàng phải trả đủ” – vị này nói.
Sự khốn khổ của phía Đức Long là, sau khi hoàn thành bến xe mới, chính quyền Đà Nẵng không điều chuyển các tuyến xe chạy về đây, vẫn duy trì cho xe chạy về bến xe Trung tâm Thành phố. Đương nhiên, chả xe khách nào dại gì vào bến nằm xa trung tâm.
Đến từ Hà Nội, ông chủ Bến xe tư nhân Nước Ngầm Nguyễn Văn Lập nói: Bến đã mở rộng 18.000 m2, dẹp sạch nạn cò mồi, lập cả nơi trả đồ khách đánh rơi, nhưng mỗi ngày chỉ có 200 xe ra vào, đạt 30% công suất.
Các năm qua, bến luôn rơi vào cảnh “đói ăn” vì xe không vào. “Tôi không xấu trai, không còi cọc, nhưng cứ giới thiệu là giám đốc bến xe, giơ tay ra bắt, người có trách nhiệm lại đẩy ra. Xã hội vẫn nghĩ chúng tôi là dân xã hội đen, đầu đường xó chợ. Vì thế, hôm nay chúng tôi rất xúc động khi Bộ trưởng GTVT trực tiếp ngồi nghe những chuyện tồn tại” - ông Lập nói.
Không điều chỉnh, bến tư chết yểu
Cần phải nói rằng, những bến xe tư nhân hình thành do thôi thúc đổi thay dịch vụ (mà vì sự độc quyền của nhiều bến nhà nước đã tạo nên sự nhếch nhác, chèn ép khách).
Trong diễn đàn này, vấn đề luồng tuyến xe khách là yếu tố sống còn đối với các bến xe tư nhân. Các bến xe nhà nước (hoặc đã cổ phần hóa) được xây dựng trước đây thường có vị trí trung tâm, gần khu dân cư, nhu cầu xe khách đi/đến nhiều. Còn các bến tư nhân mới đầu tư thường ở vị trí xa trung tâm (để đảm bảo giãn mật độ giao thông), đương nhiên ít xe khách tìm đến. Nói như đại diện của bến xe Đức Long (Đà Nẵng), nếu đợi dân cư đông đúc, xe tự tìm đến thì 20 năm nữa bến mới có nhiều xe.
Lúc đó, doanh nghiệp cũng không đủ sức cầm cự. Do đó, các doanh nghiệp này đề nghị Bộ GTVT và địa phương điều chỉnh luồng tuyến cho xe về các bến để thoát cảnh chết yểu.
Cùng ngày, trao đổi với Tiền Phong, ông Khuất Việt Hùng-Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, kiêm Vụ trưởng Vận tải cho biết: Theo kế hoạch, Bộ GTVT đang khẩn trương xây dựng quy hoạch luồng tuyến để công khai. Tuy nhiên, tiêu chí xây dựng là tạo sự tiện lợi nhất cho hành khách, chứ không hoàn toàn dựa trên đề nghị của các chủ bến xe.
Ngoài luồng tuyến, các đại diện bến xe tư nhân còn phản ánh tình trạng khó nhận được những ưu đãi về thuế đất cho bến xe theo quy định. Tình trạng xe hợp đồng theo chuyến, hoạt động xe khách tuyến cố định trá hình cũng làm thất thoát một lượng khách hàng lớn của bến xe khách tư nhân.
Lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp bến xe, Bộ trưởng Thăng trực tiếp chỉ đạo nhiều vấn đề. Sau kiến nghị của Cty Phương Trang, ông Thăng chất vấn lãnh đạo Sở GTVT Lâm Đồng ngay tại hội trường.
Thấy chưa ổn, ông Thăng hứa, sang tuần sẽ trực tiếp vào Lâm Đồng làm việc với lãnh đạo tỉnh để giải quyết dứt điểm. Ủng hộ xu hướng xã hội hóa, khi nghe ông Nguyễn Văn Lập (GĐ Bến xe Nước Ngầm) đề nghị nên mở rộng xã hội hóa quản lý các bến xe do nhà nước đầu tư; thậm chí nên để doanh nghiệp vào quản lý Ga Hà Nội, ông Thăng nói: “Nếu anh làm được, tôi giao luôn”.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cảm ơn những trao đổi thẳng thắn của các doanh nghiệp bến xe và chỉ đạo các cơ quan thuộc bộ tiếp thu toàn bộ các kiến nghị bức thiết của doanh nghiệp.
“Thông tư cần sửa một điểm phải sửa ngay. Nghị định thiếu một điều, chúng tôi cũng sẽ báo cáo Chính phủ bổ sung. Không cần phải đợi đến khi bộc lộ nhiều vấn đề mới sửa” - ông Thăng nói.
Theo Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Xuất khẩu cá ngừ cần động lực để tăng tốc trong năm 2025
Kiện toàn giải pháp thanh toán chạm: VPBank “xanh hóa” để bảo vệ môi trường
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Cột tin quảng cáo