Chính sách tài khóa góp phần ứng phó biến đổi khí hậu
Đảo ngược tiến trình BĐKH
Biến đổi khí hậu đem đến bất lợi cho nền kinh tế thế giới, vì thế nhiều nước rất quan tâm đến vấn đề này. Khu vực Châu Á phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế, giảm đói nghèo, khu vực này lại đối diện với vấn đề khí thải và môi trường, TS Bành Nhuận Trung, Giám đốc Trung tâm Tài chính&Phát triển Châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Tài chính Trung Quốc, phát biểu tại hội thảo “Chính sách tài khóa ứng phó với biến đổi khí hậu và vai trò của Bộ Tài chính” ngày 23/11 tại Hà Nội.
“Châu Á ngày càng chú ý làm sao giảm phát thải trong quá trình phát triển kinh tế của mình. Chính sách tài khóa có thể giúp giảm thiểu vấn đề biến đổi khí hậu.” ông Bành Nhuận Trung nhấn mạnh.
Phải có chính sách tài khóa mới đảo ngược được tiến trình biến đổi khí hậu trên toàn thế giới thông qua việc khuyến khích công nghệ thân thiện với môi trường, thay đổi nhận thức, hành vi để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, ông Deepak K. Mishra, Kinh tế Trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nói.
Chia sẻ về vấn đề này, Ts. Purwoko, Vụ Chính sách Tài khóa, Bộ Tài chính Indonesia, cho biết Bộ Tài chính Indonesia sẽ gắn nỗ lực của mình vào mục tiêu phát triển của quốc gia như cung cấp tài chính, khuyến khích khu vực tư nhân, cung cấp tài chính cho chính quyền địa phương để ứng với biến đổi khí hậu trong khu vực.
Ts Purwoko cho biết Indonesia phấn đấu giảm phát thải 200% đến năm 2020 mà không cần sự hỗ trợ của quốc tế.
“Tôi cho rằng vấn đề tài chính cho biến đổi khí hậu là rất quan trọng, có thể khống chế khí thải nhà kính không ngừng tăng.”, theo Ts Vương Quế Quyên, Viện Nghiên cứu Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính Trung Quốc.
Ts Shinji Taniguchi, Trưởng ban Hợp tác Quốc tế Vụ các Vấn đề Phát triển Bộ Tài chính Nhật Bản, cho biết Chương trình Hỗ trợ để Ứng phó với Biến đổi Khí hậu ở Việt Nam (SP-RCC) sẽ hỗ trợ kỹ thuật, tài chính trong tương lai, thúc đẩy các sáng kiến hiện có, giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.
Gắn tăng trưởng xanh vào phát triển kinh tế
Bà Ketsuda Supradit, Chuyên gia Cao cấp Vụ Chính sách Tài khóa, Bộ Tài chính Thái Lan, cho biết trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, Thái Lan cũng đã lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu, để làm sao cân đối giữa phát triển kinh tế và môi trường. Ở trung ương, Thái Lan đã thành lập Ủy ban Ứng phó với Biến đổi Khí hậu do Thủ tướng Thái Lan làm chủ tịch. Thái Lan cũng đưa ra nhiều văn bản, quy định để thúc đẩy phát triển cơ chế phát triển sạch (CDM).
Còn bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc Quốc gia Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam, cho rằng “chúng ta phải bắt tay với nhau để hướng tới nguồn năng lượng sạch hơn, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, đảm bảo phát triển bền vững.
“Việt Nam phải gắn tăng trưởng xanh vào chiến lược tăng trưởng kinh tế của quốc gia.“ bà Setsuko Yamazaki nói.
Đối với Trung Quốc, Ts Vương Quế Quyên nói: “Chúng tôi đưa ra chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường và có các khoản tài chính trợ cấp cho ngành năng lượng, hỗ trợ sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Chúng tôi cho rằng nhiều chính sách tài chính đã thúc đẩy được sự phát triển sử dụng nguồn năng lượng mới, loại bỏ năng lượng lạc hậu.”
Trong khi đó, theo bà Ketsuda Supradit, Thái Lan luôn khuyến khích sử dụng năng lượng tự nhiên, phát triển năng lượng tái tạo, xây dựng các tòa nhà sử dụng năng lượng hiệu quả, thúc đẩy tiêu dùng thân thiện môi trường, ưu tiên cho các bên sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường.
Ngày 5/11/2010, nội các Thái Lan đã phê duyệt cơ chế phát triển sạch và cho phép các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi trong ba năm đầu hoạt động, hướng tới khuyến khích cho đầu tư xanh. Chính phủ Thái Lan cũng đưa ra động cơ khuyến khích các bên sử dụng năng lượng mới thân thiện với môi trường, sử dụng nhiên liệu sạch.
Ths Phạm Đình Thi, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính Việt Nam, cho biết Luật thuế Bảo vệ Môi trường của Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua với tám mặt hàng bị chịu thuế gồm xăng dầu các loại (nhiên liệu bay, diezel, dầu hỏa, mazut, dầu mỡ nhờn); than (than nâu, than antraxit, than mỡ, than đá khác); dung dịch HCFC; túi nhựa nilông (túi nhựa xốp); thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng; Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng; Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng, Thuốc khử trùng thuộc loại hạn chế sử dụng. Luật thuế Bảo vệ Môi trường sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012.
“Những mặt hàng bị đánh thuế như thế này sẽ làm thay đổi hành vi người tiêu dùng, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng thân thiện với môi trường. Các loại thuế là công cụ hữu hiệu kích thích sản xuất, tiêu dùng, thay đổi hành vi người tiêu dùng nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu. Đầu tư tài chính để có công nghệ thân thiện môi trường không phải là cái mất đi mà còn mang lại lợi nhuận khổng lồ, khuyến khích sử dụng công nghệ mới, sạch thân thiện với môi trường.” ông Thi nói.
Theo ông Deepak K. Mishra, để ứng phó với biến đổi khí hậu, chúng ta phải có nhiều động cơ khuyến khích, ưu đãi và đưa ra các chính sách để hỗ trợ công nghệ giảm thiểu carbon, công nghệ thân thiện môi trường. Chúng ta cũng có thể sử dụng các công cụ về thuế để khuyến khích việc sử dụng các công nghệ sạch, giảm thuế các công nghệ thân thiện với môi trường.
“Thế giới mỗi năm phải đầu tư 200 tỷ USD cho các công nghệ thân thiện với carbon. Đầu tư cho các công nghệ đó sẽ mang lại lợi ích lớn hơn, có thể thúc đẩy việc sản xuất các sản phẩm giảm CO2.” ông Deepak K. Mishra tiết lộ.
Nguồn: VFEJ, 24/11/2010
End of content
Không có tin nào tiếp theo