Tin tức - Sự kiện

Chính sách tạm trữ lúa gạo: Phần lợi chưa đến với nông dân

Chủ trương tạm trữ lúa gạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khan cho người nông dân khi tiêu thụ lúa gạo. Tuy nhiên, trên thực tế thì người nông dân chưa được hưởng lợi từ chính sách này.
Theo đúng kế hoạch, từ ngày 20-2 đến 31-3, các doanh nghiệp đã thực hiện thu mua gạo tạm trữ vụ Đông Xuân tại đồng bằng sông Cửu Long.
 
Đánh giá về hiệu ứng của chương trình này, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ cho biết, chương trình tạm trữ 1 triệu tấn gạo đã có hiệu ứng tích cực, tạo điều kiện cho thị trường mua bán lúa gạo của đồng bằng sông Cửu Long sôi động hơn, đặc biệt giá lúa tăng từ 100 đến 300 đồng/kg. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, hết thời gian tạm trữ lúa gạo thì giá đã giảm.
 
Nguyên nhân xảy ra tình trạng này, theo ông Toại là do chủ trương tạm trữ không phải mang tính chất dài hạn mà chỉ là giải pháp tình thế.
 
“Doanh nghiệp được phân chỉ tiêu tạm trữ thực hiện tốt nhưng không mua trực tiếp từ người nông dân, nên phần lợi nhuận không tới tay người nông dân mà thuộc về thương lái, doanh nghiệp trung gian”, ông Toại nhìn nhận.
 
Còn với xuất khẩu, trong 3 tháng đầu năm, thị trường gạo trầm lắng đầu ra khó, nhất là giá gạo Việt Nam thấp nhất thế giới chỉ khoảng 380- 400 USD/tấn (giá của Ấn Độ khoảng 440 – 450 USD/tấn) mà vẫn không bán được. Giá xuất khẩu thấp khiến doanh nghiệp mua gạo giá thấp, người nông dân bị đẩy vào tình thế rất khó khăn.
 
Ông Toại dẫn chứng, giá thu mua gạo của nông dân, trong 3 năm liền, mỗi năm giảm 1.000 đồng/kg lúa, khiến đời sống của người nông dân rất khó khăn. Do vậy, người nông dân không có điều kiện tái sản xuất và tạo ra sản phẩm tốt.
 
Với những khó khăn này, ông Toại kiến nghị, Bộ Công Thương cần có chủ trương đẩy giá sàn xuất khẩu gạo của Việt Nam lên bằng với các nước thì mới đẩy giá lúa lên; nghiên cứu và tham mưu với Chính phủ có chính sách hỗ trợ người nông dân được hưởng lợi từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ.
 
Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, năm nay, có nhiều ý kiến cho rằng, lợi ích đến doanh nghiệp là chính mà chưa tới người nông dân một phần do doanh nghiệp khó khăn nên sự “san sẻ” đối với người nông dân không được như những năm trước, một phần do bản thân cơ chế tạm trữ còn bất cập.
 
Như vậy, chương trình tạm trữ 1 triệu tấn gạo theo chỉ đạo của Chính phủ đã chính thức khép lại nhưng "lợi nhuận không tới tay người nông dân". Với những bất cập này, nên chăng, các cơ quan quản lý cần cân nhắc cơ chế tạm trữ để hài hòa giữa lợi ích cho người nông dân và doanh nghiệp.
 
 
 
 
Minh Trí
Theo HQO
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo