Chính sách tiền tệ 2014: “Phải sống cái đã!”
Năm 2013 dần qua, nhiều mối lo cho Ngân hàng Nhà nước chuyển tiếp sang 2014, dù định hướng chính sách tiền tệ cơ bản không mấy thay đổi.
Ngay khi thực hiện bài viết này, nửa đêm (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới có cú rơi rất mạnh. Mốc 1.200 USD/oz bị xuyên thủng, rồi giằng co.
Phản ứng của giá vàng là rõ rệt, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định cắt giảm gói nới lỏng định lượng (QE3). Chuyện ở bên kia bán cầu, nhưng ở bên này Ngân hàng Nhà nước hẳn phải dè chừng…
Cân đối mong manh
Vì sao phải dè chừng?
TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nói rằng, động thái của FED là thận trọng, và cần cho Việt Nam. QE3 giảm dần, từng bước là cần thiết, tránh cắt giảm đột ngột dễ tạo ra những cú sốc, trong khi những cân đối mà Ngân hàng Nhà nước đang giữ là khá mong manh.
Giả sử QE3 đột ngột ngừng, hoặc cắt giảm mạnh, đồng USD sẽ lên giá, lãi suất USD sẽ lên. Theo đó, Việt Nam dễ “loạng quạng” với những cân đối liên quan.
Đến cuối quý 2/2013, chính sách lãi suất của Việt Nam đã ghìm cương trước giới hạn. Chênh lệch lãi suất giữa USD với VND đã mỏng dần. Nếu có phản ứng trên, tấm đệm lãi suất sẽ càng khó bảo vệ mức độ hấp dẫn của VND; tỷ giá và lãi suất dễ biến động.
Đó cũng là những cân đối khá mong manh mà hẳn Ngân hàng Nhà nước phải lo trong năm 2014. Lãi suất VND tăng lên thì ngược mục tiêu bình ổn, lãi suất USD chỉ còn lại bước rất nhỏ để lùi hẳn về 0% (nếu buộc phải làm).
Trước mắt, với diễn biến trên của giá vàng, nhà điều hành hẳn cũng có những cái phải lo. Dù đã quen, có thể đã có sự thay đổi nào đó về quan điểm của nhiều người, nhưng nếu chênh lệch giá vàng lại doãng rộng theo cú rơi này sẽ là điều không mong muốn.
Quan trọng hơn, nếu bắt nhịp theo đà thế giới, giá vàng trong nước sẽ giảm sâu dưới mốc 35 triệu đồng/lượng. Không ồn ào như nhiều năm trước, nhưng dòng tiền canh giá hay lực cầu có thể được kích thích, dòng vốn của ngân hàng dễ bị chia sẻ khi bắt đầu mùa cao điểm chi trả cuối năm. Cũng lưu ý rằng, vàng đấu thầu vẫn bán khá gọn ghẽ, hay năng lực hút tiền của nó vẫn là đáng kể…
Hôm nay (20/12), Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu. “Chơi vàng đấu thầu thì không chỉ là vàng. Nó còn là câu chuyện tỷ giá, câu chuyện cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối, cung tiền đồng…”, chuyên gia Võ Trí Thành đặt ra một loạt các cân đối mà Ngân hàng Nhà nước phải lo, không chỉ kể từ phiên 28/3/2013 đến nay, mà cả trong năm 2014.
Lo hơn, ông Thành đặt câu hỏi: “Liệu chúng ta có đủ bài bản và sự linh hoạt cần thiết trong khi thị trường vàng chưa liên thông được với thị trường vàng thế giới?”.
Song, về cơ bản, trong năm 2013, những cân đối trên được giữ vững.
Về tổng thể, phát biểu tại hội thảo của Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) sáng 19/12, TS. Võ Trí Thành đánh giá: “Trong bối cảnh các công cụ của chính sách tiền tệ chưa phải đủ mạnh, chưa phải đủ hiệu quả, chưa phải Ngân hàng Nhà nước đã nắm thật chắc, nhưng thị trường tiền tệ đã hoạt động bình thường và tốt hơn. Việc sử dụng các công cụ đã linh hoạt hơn. Việc kiểm soát cung tiền trong mục tiêu ổn định có thể coi là được”.
Với thị trường vàng và ngoại tệ, vị chuyên gia trên cũng hài lòng, khi nói rằng nhà điều hành đã giảm được sự lũng đoạn của “cá mập” trên thị trường vàng mà không làm tăng thêm rủi ro đối với hệ thống ngân hàng; đô la hóa đã giảm với tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán từ trên 20% xuống còn 12%.
“Phải sống cái đã!”
Vẫn là cách nói cá tính, TS. Võ Trí Thành nêu quan điểm: trước khi xử lý những cái lo, những khó khăn thì “phải sống cái đã!”.
Thế nên ông nêu tình huống: không rõ Thống đốc Nguyễn Văn Bình vô tình hay do áp lực nên đã “chơi” vào hệ thống ngân hàng ở những điểm quan trọng nhất để nền kinh tế có thể quay trở lại bình thường.
Đầu tiên là “chơi” vào vấn đề thanh khoản. Phải cứu các ngân hàng trước đã rồi bắt họ khắc phục hậu quả, thậm chí trả giá. Thứ hai là “chơi” các ngân hàng yếu kém bằng tái cơ cấu, khoanh vùng và hạn chế một nhân tố, mà theo ông Thành, từng gây hỗn loạn trước đây. Thứ ba là “chơi” vào nợ xấu, bắt đầu đi vào sâu hơn dù chưa làm được nhiều.
Cũng chính vì “phải sống trước đã” nên trong năm 2013 mới có Quyết định 780 cho cơ cấu lại nợ, hoãn Thông tư 02 và VAMC ra đời. Ông Thành cho biết, một số ngân hàng có nhờ ông nói với cấp cao nhất, với Thống đốc Bình là phải tiếp tục dừng Thông tư 02 sau thời hạn 1/6/2014, nếu làm sẽ đổ vỡ.
Việc áp dụng Thông tư 02 theo đó sẽ là mối lo lớn của năm 2014.
“Nhưng cái gì cũng có hai mặt. Không làm thì lòng tin sẽ sụt giảm, rồi lại quan ngại “Việt Nam không thích chơi cải tổ thật”. Lựa chọn thế nào? Đó là câu chuyện phức tạp hơn đặt ra phía trước”, ông Thành nói.
Và nhiều cái phải lo khác…
Cũng tại hội thảo trên, TS. Trịnh Quang Anh đưa ra một góc nhìn toàn diện về hệ thống ngân hàng và chính sách tiền tệ năm 2013, cũng như nêu lên nhiều cái Ngân hàng Nhà nước phải lo trong năm tới.
Quen thuộc ở góc nhìn kỹ thuật, ông Quang Anh tính toán tăng trưởng tín dụng 2013 vẫn có thể đạt mục tiêu 12%. Kết quả này ông cho là đúng và chính đáng.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng cần tính thêm phần nợ đã đưa ra ngoại bảng sau khi bán cho VAMC, phần nợ xấu đã được các tổ chức tín dụng tự xử và không còn nằm trong miếng bánh tổng dư nợ để tính tăng trưởng, hay cần tính cả trái phiếu doanh nghiệp và chưa kể khoảng 90 nghìn tỷ đồng tăng ròng vào trái phiếu Chính phủ…
Về năm 2014, TS. Trịnh Quang Anh cũng điểm một loạt khó khăn đối với chính sách tiền tệ.
Trước hết là kiềm chế lạm phát, mục tiêu số 1. Chuyên gia này nói rằng, Ngân hàng Nhà nước phải theo đuổi và cần đảm bảo quá nhiều mục tiêu. Trong trường hợp mục tiêu số 1 có nguy cơ sụp đổ, những mục tiêu khác có thể phải hy sinh và hẳn sẽ có những tác động ngoài mong muốn.
Kế đến, ông Quang Anh dự tính mục tiêu giữ ổn định tỷ giá USD/VND vẫn tiếp tục trong khoảng 2-3%. Và ông cũng nhìn nhận Ngân hàng Nhà nước chỉ còn “chút xíu” dư địa lãi suất tiền gửi USD để phòng thân, đặt trong yêu cầu bình ổn lãi suất VND và giữ chênh lệch hấp dẫn.
Vì sao tuyên bố ổn định tỷ giá? Chuyên gia này lý giải, Ngân hàng Nhà nước muốn tạo một kỳ vọng về tỷ giá, khi có dấu hiệu găm giữ ngoại tệ, tiền gửi ngoại tệ tăng, tài sản có ngoại tệ của hệ thống ngân hàng tăng. Tuy nhiên, nếu neo tỷ giá trong trung và dài hạn thì sẽ là vấn đề cần chú ý…
Dẫn tổng giá trị tín phiếu phát hành năm 2013 khoảng 420 nghìn tỷ đồng, tổng lượng hút về khoảng 370 nghìn tỷ đồng, lượng lưu hành hiện khoảng 50 nghìn tỷ đồng, TS. Trịnh Quang Anh đề cập đến áp lực điều tiết lượng cung tiền trong năm tới. Áp lực còn có từ dòng tiền đi ra từ kênh trái phiếu đặc biệt của VAMC. Phía sau đó là áp lực đối với lạm phát.
Chưa hết, chuyên gia này còn tính đến tác động bất lợi của nguồn cung trái phiếu Chính phủ. Năm 2014, trước nguồn cung lớn, giá có thể sẽ rẻ đi, thể hiện ở lãi suất trái phiếu tăng lên. “Liệu nó có phá vỡ sự ổn định của mặt bằng lãi suất trên thị trường không?”, ông Quang Anh nói, gián tiếp đề cập đến cái bắt tay cần chặt và ấm hơn giữa Bộ Tài chính với Ngân hàng Nhà nước, giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ trong năm tới, mà ông đề cập trong tham luận của mình.
Ngoài những cái lo trên, tham dự hội thảo, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa bổ sung thêm một vấn đề đã cũ nhưng vẫn… mới: phá băng tín dụng.
Nhấn mạnh tăng trưởng tín dụng là vấn đề khó khăn nhất trong các cuộc khủng hoảng, không chỉ ở Việt Nam, TS. Nghĩa còn hoài nghi mức độ tăng trưởng thực của tín dụng hiện nay.
Có hai tác động mà ông đề cập đến để lý giải cho sự hoài nghi. Một là, thực tế các khoản vay không trả được, ngân hàng gộp cả phần lãi chưa thu tính vào dư nợ. Hai là, ông cho biết, cuối năm thường có hiện tượng ngân hàng dùng vốn dư thừa đưa cho công ty con, gửi vào ngân hàng khác dùng làm thế chấp cho khoản vay mới, góp phần tạo nên tỷ lệ tăng trưởng vì mục đích nào đó.
Cho nên, tăng trưởng tín dụng thực chất có phải là nguồn vốn cho vay mới hay không là cần xem xét. “Cứ cho tăng trưởng tín dụng 8%, nhưng lạm phát xơi mất 6% rồi”, ông nói thêm về ý nghĩa của chỉ tiêu này.
Trước những tác động đó, cũng như để phá băng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước hẳn càng phải lo giá trị thực tế của các tỷ lệ tăng trưởng. Nhất là năm tới, áp lực mục tiêu tăng GDP cao hơn, đòi hỏi tín dụng phải tăng trưởng cao hơn, thực chất hơn.
VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá xăng giảm trước kỳ nghỉ Tết
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Thương lái gom hàng hoa phục vụ Tết
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Cột tin quảng cáo