Chính sách tiền tệ vẫn phải “gánh” nặng
TS. Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng
TS. Trần Hoàng Ngân
Có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh hiện vẫn chủ yếu dựa vào kênh ngân hàng thì nên chuyển nguồn vốn đầu tư cho một số lĩnh vực ưu tiên như “tam nông” hay “công nghệ cao”… sang cho chính sách tài khóa?
Theo tôi, cần phải có những đánh giá tổng thể về vấn đề này. Hiện nay lĩnh vực tài khóa cũng đang rất nặng nề và đang bội chi trầm trọng và tài khóa cũng đang “gánh” nhiều dự án đầu tư công lớn. Hiện một số lĩnh vực của tài khóa, ngân sách cũng đang được giao cho một số ngân hàng theo sự chỉ đạo của Chính phủ như Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội.
Trong thực tế, chúng ta vẫn đang phân chia những lĩnh vực hỗ trợ có tác động xã hội lan tỏa như giải quyết việc làm, hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống người dân... thuộc về tài khóa; còn lĩnh vực nào đưa vốn ra để thực hiện nâng cao hiệu quả kinh tế thì vẫn từ kênh tiền tệ tín dụng. Ví dụ như công tác an sinh xã hội, đảm bảo công ăn việc làm, khoa học công nghệ thì là chính sách tài khóa (CSTK); còn thuộc về cho vay DN sản xuất kinh doanh, làm kinh tế đang thuộc chính sách tiền tệ (CSTT).
Vậy theo ông có cần mở rộng tài khóa hơn nữa để đỡ gánh nặng cho CSTT trong thời gian tới?
Theo tôi CSTK vẫn cần quản lý chặt chẽ và CSTT sẽ phải linh hoạt hơn. Nhưng thực tế CSTK đang được nới lỏng về mặt định lượng và thể hiện qua bội chi ngân sách phải nâng lên. Như vậy, CSTT phải vừa đáp ứng được nhu cầu vốn cho những công trình dự án có một phần vốn được đầu tư từ CSTK, nhưng đồng thời phải đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Còn tăng trưởng tín dụng thời gian gần đây tăng chậm có một phần lý do là vốn đầu tư tài khóa bị thu hẹp, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do tổng cầu quá yếu, DN bị đóng cửa, phá sản. Do vậy, mấu chốt hiện nay vẫn là phải có giải pháp để DN phục hồi, thị trường hồi phục để tự hấp thụ “vốn có chi phí”.
Ông có cho rằng, các DN lớn nên mở rộng kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn dài hạn, giảm áp lực từ vay ngân hàng?
Luật pháp cho phép và DN nên tận dụng hình thức này. Bên cạnh vốn chủ sở hữu thì DN có thể đi vay ngân hàng và vay trực tiếp trên thị trường tài chính thông qua việc phát hành trái phiếu. Hình thức “gọi vốn” này còn gọi là chứng khoán nợ. Tuy nhiên hình thức huy động vốn này lại phụ thuộc vào người mua trái phiếu rất nhiều.
Người mua trái phiếu có lợi thế là nếu chẳng may công ty, DN phá sản thì người mua trái phiếu bao giờ cũng được ưu tiên đền bù, xử lý trước người mua cổ phiếu. Và trái phiếu DN thường có lãi suất cố định. Trái phiếu DN khi được phát hành thì tổ chức, cá nhân nào có nhu cầu đều có thể mua được. Vấn đề là họ có “hiểu” DN phát hành trái phiếu hay không để đưa ra quyết định.
Vậy làm thế nào để người mua trái phiếu biết được tình trạng thực tại của DN?
Ở nhiều nước trên thế giới, để thị trường trái phiếu DN phát triển thì phải có tổ chức định mức tín nhiệm trái phiếu. Qua thông tin định mức tín nhiệm trái phiếu cao hay thấp, người mua có thể chấp nhận mức lãi suất trái phiếu đó là bao nhiêu và tự so sánh với lãi suất nếu họ gửi tiền vào ngân hàng.
Trong khi chúng ta chưa có các tổ chức định mức tín nhiệm trái phiếu DN thì người mua trái phiếu càng phải tìm hiểu kỹ hơn. Bởi lãi suất trái phiếu DN thường cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng và sẽ nằm trong khoảng lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi. Do đó người có tiền sẽ cân nhắc gửi ngân hàng hoặc mua trái phiếu. Về phía mình, nếu DN chọn được hình thức phát hành trái phiếu phù hợp thì rất tốt.
Vì vậy, tôi cho rằng để các DN mạnh dạn phát hành trái phiếu và thu hút được tổ chức, cá nhân mua thì nhà nước cần sớm cho phép thành lập các công ty định mức tín nhiệm trái phiếu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
VCCI kiến nghị lập cơ quan độc lập đốc thúc giải quyết vướng mắc, bất cập
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao