Chính sách

Biến thách thức thành cơ hội, đưa vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển đột phá

DNVN - Phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng (Vùng), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tin tưởng Vùng sẽ phát triển đột phá, khẳng định vị trí, vai trò là đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.

Hoàn thiện dự thảo Đề án định hướng phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 / Hà Nội: Giới thiệu hơn 2000 sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh đồng bằng sông Hồng năm 2022

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và xúc tiến đầu tư Vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, tư tưởng chỉ đạo và nội dung Nghị quyết 30-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ đã đưa ra nhiều quan điểm định hướng mới, ý tưởng mới và tầm nhìn mới có tính đột phá trong phát triển của Vùng.

Theo ông Dũng, ngày 23/11/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để Nghị quyết của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, ngày 8/2/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14 về Chương trình hành động triển khai thực hiện nghị quyết này, trên cơ sở bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết 30-NQ/TW.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày
sản phẩm của tỉnh Quảng Ninh.

Mục tiêu đến năm 2030, đưa Vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số…

Xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”.

Trong khi đó, tầm nhìn đến năm 2045, Vùng sẽ trở thành vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân…

Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

“Chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết.

Đây là căn cứ để các bộ ngành, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đã đề ra”, ông Dũng nói.

Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chương trình hành động thể hiện định hướng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đổi mới về tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phát triển của từng địa phương trong Vùng.

Đó là tập trung phát triển các ngành kinh tế theo quy hoạch vùng và quy hoạch của từng địa phương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết nội vùng, giữa vùng với các vùng khác trong cả nước…

“Phải coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển. Phải làm sao nghiên cứu tổ chức không gian phát triển vùng đảm bảo cân bằng, bền vững gắn với phát triển các hành lang, vành đai kinh tế; phát triển các chuỗi đô thị hiện đại và hệ thống giao thông kết nối giữa các cực tăng trưởng, giao thông nội vùng, liên vùng và các đầu mối trung tâm kinh tế trên toàn tuyến hành lang kinh tế”, ông Dũng nhấn mạnh.

Cùng với đó, phải tiếp tục phát triển vùng theo các tiểu vùng. Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, là đầu tàu, lôi kéo, thúc đẩy khu vực Nam Vùng và toàn Vùng.

Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động dựa trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát huy vai trò đầu tàu, động lực của các tỉnh, thành phố trong vùng, như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Đồng thời, phát triển kinh tế biển bền vững theo quy hoạch, phát triển hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển gắn với đô thị ven biển, trung tâm du lịch, dịch vụ logistics; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đặc biệt, phải phát triển Vùng trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại của khu vực Đông Nam Á. Phát triển văn hoá ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội.

Để Vùng có thể phát triển đột phá, việc thực hiện thí điểm các mô hình, cơ chế chính sách ưu đãi, có tính chất đột phá nhằm thu hút mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển vùng và các tiểu vùng.

“Huy động tối đa nguồn lực cho phát triển vùng, trong đó tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, quan trọng, trọng điểm, có sức lan toả, nhất là phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, quốc lộ, các tuyến đường vành đai, tuyến đường bộ ven biển kết nối liên vùng, các cảng biển, cảng hàng không, đường sắt bảo đảm kết nối vùng, các tiểu vùng và kết nối với các vùng khác”, ông Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chương trình hành động của Chính phủ có 21 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội và môi trường và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trong đó, phấn đấu đến năm 2030, đạt một số chỉ tiêu quan trọng, như tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 9%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 7%.

Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm