Cần hình thành sàn giao dịch sản phẩm cây ăn quả để phát triển thị trường
Giải đáp băn khoăn về chỉ định cơ quan đầu mối tiêu thụ nông sản / Tổng cục Quản lý thị trường họp khẩn bàn giải pháp tiêu thụ nông sản mùa vụ cho vùng dịch
Chia sẻ tại diễn đàn "Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc", ngày 6/12, ông Trần Anh Hùng - Giám đốc Trung tâm Quy hoạch 2, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cho rằng, nước ta có điều kiện sinh thái đa dạng, có thể phát triển được nhiều loại cây ăn quả có nguồn gốc nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới. Trong đó nhiều loại có năng suất và chất lượng khá tốt.
Cây ăn quả của Việt Nam đã có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Trung Quốc… Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cây ăn quả đạt 5 tỷ USD.
Để phát triển thị trường tiêu thụ trong nước, ông Hùng khuyến nghị cần hình thành sàn giao dịch sản phẩm cây ăn quả. Đồng thời, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm cây ăn quả.
Đối với thị trường xuất khẩu, cần tăng cường xuất khẩu vào các thị trường truyền thống. Đồng thời, tiếp tục mở rộng các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nga, ASEAN, EU, Trung Đông, Bắc Phi và đẩy mạnh xuất khẩu quả chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Ông Đinh Công Sứ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chia sẻ, với đặc thù đa dạng về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng cho phép Hòa Bình có thể phát triển nhiều loại cây trồng khác nhau, đặc biệt là cây ăn quả. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 16.000ha cây ăn quả các loại.
Xác định cây ăn quả là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương, tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách như cải tạo vườn tạp, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng đề án tái canh cây ăn quả có múi, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Tất cả đều dựa theo tinh thần xuyên suốt tập trung nâng cao chất lượng chuỗi giá trị nông sản, không phát triển nóng.
Theo ông Nguyễn Hồng Yến - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ Thực vật tỉnh Hòa Bình, những năm gần đây, việc mở cửa thị trường quốc tế cho các loại nông sản và trái cây tươi của Việt Nam đã đánh dấu một bước tiến lớn trong chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, việc nhập khẩu các loại trái cây vào thị trường Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đã mở ra nhiều cơ hội và lợi ích cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và các tỉnh phía Bắc nói riêng.
“Để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế, việc chuẩn hóa và thí nghiệm các sản phẩm trở nên vô cùng quan trọng”, ông Yến nói.
Đại diện ngành nông nghiệp Hòa Bình đánh giá, các quy định về kiểm dịch thực vật, quản lý vùng trồng, đóng gói và chế biến phải được tuân thủ chặt chẽ. Việc này không chỉ giúp tăng cường uy tín và cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế mà còn tạo ra môi trường kinh doanh bền vững và lâu dài trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây của Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo