Chính sách

Sớm ký kết Nghị định thư, giảm thủ tục thông quan cho nông sản sang Trung Quốc

DNVN - Tại “Hội nghị Thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung trong bối cảnh mới”, sáng 14/2, ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị, tăng cường trao đổi, đàm phán, sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả, nông sản còn lại của Việt Nam.

Lượng sắt thép xuất khẩu sang Trung Quốc trong 8 tháng tăng hơn 17 lần / Doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc cần kiểm soát COVID-19 ở cả bao bì

Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, những năm vừa qua, chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc ngày càng thay đổi, theo hướng yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn xuất nhập khẩu, quy cách đóng gói bao bì, truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Đồng thời, phía bạn cũng đưa ra nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn hơn nhằm kiểm soát chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu từ các nước.

Trong gần 3 năm xảy ra dịch COVID-19, tỉnh Lạng Sơn đã ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng cửa khẩu; tăng cường cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị sớm đàm phán, ký kết Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả còn lại.

“Lạng Sơn cố gắng minh bạch hóa các quy trình, tiết giảm tối đa chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp; triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, an toàn và bình đẳng cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh”, ông Thiệu nói.

Năm 2022 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh đạt 3,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 940 triệu USD; xuất khẩu nông sản đạt 1,7 triệu tấn, với tổng trị giá khoảng 705 triệu USD.

Hiện, Lạng Sơn duy trì thông quan hàng hóa tại 5 cửa khẩu gồm: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam, Ga Đồng Đăng.

Từ ngày 8/1/2023, cùng với việc thực hiện điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch của Trung Quốc, các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu theo phương thức truyền thống tại một số cửa khẩu đã dần được khôi phục.

Lượng xe thông quan xuất nhập khẩu trong tháng 1/2023 đạt khoảng 1.000 xe/ngày; kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh trong tháng 1/2023 tăng 108,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, mặt hàng nông sản, trái cây xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 80% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn, điển hình là các trái cây chủ lực như thanh long, xoài, mít, vải, dưa hấu, chuối và các loại nông sản khô như thạch đen, tinh bột sắn... Các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu có phát sinh, nhưng chiếm tỷ trọng không đáng kể.

Theo ông Thiệu, tình hình xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu tại
Quảng Ninh vẫn gặp một số vướng mắc.

Theo ông Thiệu, tình hình xuất khẩu vẫn gặp một số vướng mắc. Mặc dù sản phẩm trái cây nhiệt đới của Việt Nam rất phong phú, đa dạng, nhiều sản phẩm có chất lượng tốt và được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm được xuất khẩu còn rất hạn chế so với tiềm năng sản xuất, chế biến nông sản, trái cây của Việt Nam.

Cùng với đó, các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ cả về chất lượng, truy xuất nguồn gốc cũng như về quy cách đóng gói và các chính sách mới của phía Trung Quốc, đặc biệt là Lệnh số 248 và Lệnh số 249.

Theo đó, toàn bộ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm xuất khẩu đi Trung Quốc đều phải đăng ký mã số xuất khẩu với Hải quan Trung Quốc.

Ngoài ra, một số loại sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả, thương hiệu, hình thức phân phối từ các nước khác có nguồn cung tương tự đang tiêu thụ tại Trung Quốc, cũng như các sản phẩm nông sản cùng loại do chính Trung Quốc đang mở rộng diện tích trồng trọt để đáp ứng nhu cầu nội địa.

Ngoài ra, công tác xây dựng, đăng ký thương hiệu tại Trung Quốc cho các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam đã được quan tâm nhưng vẫn còn khó khăn, do vậy việc nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm này tại thị trường Trung Quốc chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Hình thức phân phối các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc vẫn chủ yếu thông qua kênh thương mại truyền thống, chưa tận dụng và phát huy được kênh thương mại điện tử để có thể thâm nhập sâu hơn, có độ “phủ sóng” cao hơn trong thị trường tiêu dùng nội địa của Trung Quốc.

Cơ sở hạ tầng tại các khu vực cửa khẩu Lạng Sơn đã được quan tâm đầu tư, từng bước đồng bộ, hiện đại, tuy nhiên các dịch vụ logistics vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Việc chuyên chở hàng hóa bằng đường sắt chưa phát huy hiệu quả tương xứng.

“Từ 8/1/2023, các biện pháp kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh trong hoạt động xuất nhập cảnh và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu đã được nới lỏng, tuy nhiên vẫn còn có một số quy định chặt chẽ đối với phương thức giao nhận hàng hóa (phương thức cắt nối moóc như thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh) và thực hiện xét nghiệm COVID-19 theo phương pháp PCR đối với công dân Việt Nam khi lái phương tiện xuất khẩu sang Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến năng lực thông quan”, ông Thiệu chỉ rõ.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng vùng biên giới, chú trọng ưu tiên lựa chọn một số khu vực cửa khẩu có tiềm năng, có điều kiện phát triển nhanh, để tạo động lực và liên kết vùng trong hoạt động thương mại biên giới.

“Đề nghị Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường trao đổi, đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả còn lại để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu; mở rộng danh mục các mặt hàng hoa quả, nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc”, ông Thiệu nói.

Theo ông Thiệu, các địa phương có vùng trồng, vùng sản xuất, chế biến xuất khẩu lớn, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần tăng cường hiệu quả quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu thông qua các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn nhằm đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng của thị trường xuất khẩu.

Các đơn vị liên quan cần phối hợp và tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường trường xuất khẩu hàng nông sản; đẩy mạnh tiêu thụ trong nước cũng như chế biến nông sản để chủ động các phương án, kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm