Chính sách

Chính sách tài khoá đã tạo động lực để doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi

DNVN - Đây là điểm nhấn được đưa ra tại Diễn đàn "Đối thoại chính sách tài khoá hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội" sáng 7/4, do Thời báo Tài chính Việt Nam và Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp tổ chức.

Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lần 2: Rà soát lại các đối tượng để chính sách đi đúng chỗ, khả thi / Quy mô gói hỗ trợ phục hồi kinh tế: Bao nhiêu là đủ?

Các chia sẻ tại diễn đàn đã nhấn mạnh các chính sách tài khóa hỗ trợ thông qua các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội từ đầu năm 2022 đến nay đã và đang tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Diễn đàn "Đối thoại chính sách tài khoá hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội" sáng 7/4. Ảnh: Hà Anh.

Theo đó, ngày 11/1/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43 về Chính sách tài khoá tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Tại Nghị quyết này Quốc hội đã quyết định chính sách hỗ trợ Chương trình có quy mô, nguồn lực đủ lớn, tác động cả phía cung và phía cầu; có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực gắn với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu và cấp ủy, chính quyền các cấp.

Quốc hội đã quyết định giảm 2% thuế suất thuế VAT đối với nhiều nhóm hàng hoá, dịch vụ; cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 cho kỳ tính thuế 2022.

Đồng thời tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023. Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động; Tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm.

Đến ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết 11 của Chính phủ đã nêu rất rõ mục tiêu của chương trình là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.

Để hiện thực hoá các mục tiêu trên, Nghị quyết 11 đã đưa ra một số giải pháp rất quan trọng liên quan đến giảm một loạt thuế, phí; gia hạn nộp thuế, hỗ trợ lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân.

Nghị quyết cũng đã xác định gói hỗ trợ quy mô lớn nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm 2022-2023.

Các đại biểu dựDiễn đàn "Đối thoại chính sách tài khoá hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội".Ảnh: Hà Anh.

Nhấn mạnh về kết quả đạt được qua một loạt chính sách hỗ trợ thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, TS Phạm Thu Phong, Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam cho rằng: Tính đến thời điểm này, một số chính sách, như việc miễn, giảm thuế đã đi vào cuộc sống được dư luận đánh giá cao.

Bộ Tài chính đã tích cực, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành một loạt các chính sách quan trọng, nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

“Từ những hỗ trợ quan trọng này đã tạo động lực để doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi. Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua”, ông Phong nói.

Tuy nhiên, những thách thức mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt là rất lớn, đó là kinh tế thế giới và trong nước chưa hồi phục, rủi ro lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới, biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, tình hình căng thẳng giữa Nga và Ucraina, giá nhiều mặt hàng nguyên, nhiên liệu trên thế giới tăng cao...

Với độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện nay, tất cả các rủi ro đó đều phải được tính đến và cần có những kịch bản điều hành phù hợp.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm