Xem xét chính sách tài chính, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội
Ngày 29/11: Thêm 13.770 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 7.601 ca cộng đồng / Hà Nội xem xét cho học sinh THPT trở lại trường từ 6/12
Sáng 30/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế và nhóm chuyên gia, nhà nghiên cứu về chính sách tài chính, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự kiến Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ được tổ chức vào ngày 5/12 tới với sự phối hợp của 3 cơ quan làỦy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, có kết nối với các điểm cầu trong nước và các học giả, các chuyên gia, nhà nghiên cứu của các nước trên thế giới.
Mục tiêu của Diễn đàn nhằm góp phần làm rõ thêm các căn cứ khoa học và thực tiễn để cùng với Chính phủ thiết kế một gói giải pháp về tài khóa, tiền tệ để cụ thể hóa chủ trương, kết luận của Trung ương tại Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XIII) và Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV về chiến lược tổng thể phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh. Nhiều nghiên cứu về vấn đề này đã được thực hiện trong thời gian qua, trong đó có nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế và Nhóm chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, phải đánh giá hết sức kỹ lưỡng vì dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, kinh tế thế giới liên tục có sự thay đổi. Phải nhận diện đúng, trúng tác động của đại dịch đối với tình hình kinh tế - xã hội ở trong nước, xác định được mức độ thiệt hại và khả năng phục hồi của nền kinh tế, xác định lĩnh vực cần tập trung hỗ trợ để phục hồi, phát triển, hay xác định lĩnh vực nào “trong nguy có cơ”, có tiềm năng (ví dụ các lĩnh vực kinh tế số hóa, xanh hóa, công nghệ thông tin) để đẩy nhanh tốc độ phục hồi và tác động lan tỏa đối với nền kinh tế.
Các giải pháp ngắn hạn cũng phải đặt trong tổng thể dài hạn, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững, không nên đưa ra các chính sách giúp phục hồi kinh tế ngắn hạn, trước mắt, nhưng gây bất ổn vĩ mô trong dài hạn.
Trên cơ sở đánh giá tác động và phân tích dư địa của chính sách tài chính, tiền tệ phải xác định rõ các nguyên tắc, quy mô, liều lượng, trọng tâm của chính sách tập trung vào các lĩnh vực nào, phân bổ vào đâu và phải có đề xuất cụ thể về phương thức huy động nguồn lực, các giải pháp liên quan đến lĩnh vực tài chính, tiền tệ.
Tại cuộc làm việc, Lãnh đạo Quốc hội đã nghe Thường trực Ủy ban Kinh tế và Nhóm chuyên gia, nhà nghiên cứu báo cáo kết quả nghiên cứu và cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến chính sách tài chính, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các căn cứ, yếu tố tác động đến việc thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ, dư địa và khả năng thực hiện, các nguyên tắc, quy mô, liều lượng, trọng tâm của chính sách và giải pháp huy động nguồn lực.
Hiện nay Chính phủ đã thiết kế Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong tuần trước, với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa, Lãnh đạo Quốc hội đã dành 2 ngày làm việc với Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội để nghe và cho ý kiến về Đề án này cùng với 4 nội dung khác dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tùy thuộc vào chất lượng chuẩn bị mới xác định thời điểm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo xin ý kiến Trung ương, Quốc hội về việc tổ chức Kỳ họp bất thường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo