Chính sách

Chuyên gia cho rằng Tổng ngân sách chi cho hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội còn quá nhỏ

DNVN - Khuyến nghị về lập ngân sách cho năm 2022, chuyên gia Phạm Minh Thu, Viện Khoa học Lao động và Xã hội Hà Nội khuyến nghị: Chi đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) cần được coi là khoản chi đầu tư phát triển, hoặc đưa vào chính sách thường xuyên hơn là sử dụng Quỹ Dự phòng.

Covid-19: 20 triệu người được hỗ trợ từ gói an sinh xã hội trị giá 62.000 tỷ đồng / Hà Nội phê duyệt hồ sơ hỗ trợ an sinh xã hội đợt 2

Đánh giá thiết kế và kết quả thực hiện gói hỗ trợ ASXH của Chính phủ trong bối cảnh dịch COVID -19 theo các nghị quyết của Chính phủ, bà Minh Thu cho rằng tổng ngân sách chi cho hoạt động hỗ trợ ASXH còn quá nhỏ. Các chính sách còn đặt trọng tâm quá nhiều vào việc tạm dừng, giảm đóng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Chính sách hỗ trợ tiền mặt cho ASXH năm 2021 có qui mô nhỏ (2.533 tỷ), thấp hơn rất nhiều so với qui mô gói hỗ trợ ASXH năm 2020 theo Nghị quyết 42 (35880 tỷ).

Chính sách hỗ trợ tiền mặt cho ASXH năm 2021 có qui mô nhỏ

Đáng chú ý, chính sách hỗ trợ tiền mặt trong năm 2021 đã bỏ qua các nhóm đối tượng yếu thế - những người cần hỗ trợ nhất: hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng BTXH và bổ sung một số nhóm đặc thù phạm vi hẹp, bởi vậy, không phản ánh hết phạm vi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Điều này có thể tạo ra bất bình đẳng trong việc thực hiện chính sách, ảnh hưởng đến mục tiêu “không bỏ ai lại phía sau”.

Cũng theo bà Minh Thu, mức hỗ trợ ASXH thấp không đáp ứng mức sống tối thiểu và dự báo chưa đầy đủ mức độ tác động của đại dịch COVID-19 đến đời sống người lao động. Mức hỗ trợ một lần cho lao động tự do không đáp ứng mức sống tối thiểu, còn mức hỗ trợ lao động có hợp đồng lao động trong một số trường hợp không bằng tiền lương tối thiểu qui định của Nhà nước.

Việc qui định một đối tượng chỉ hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ, trong khi phạm vi chính sách kéo dài hết năm 2021 cho thấy, chính sách ASXH này chưa dự báo hết được tình hình tác động của dịch COVID-19 đến đời sống người lao động. Đặc biệt, việc phân cấp, phân quyền xuống địa phương để tạo sự linh hoạt nhưng độ bao phủ chính sách lại chưa tốt và có khả năng tạo ra bất bình đẳng trong thực hiện chính sách đối với lao động tự do.

“Kết quả của chính sách hỗ trợ ASXH của Chính phủ trong bối cảnh dịch COVID-19 cho thấy hầu hết các tỉnh không tự chủ ngân sách gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hiện có (quỹ dự phòng) để thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt do cùng lúc phải chi các khoản kinh phí để phòng chống dịch”, bà Minh Thu nói.

 

Thực tế cho thấy, các tỉnh đứng đầu về chi hỗ trợ tiền mặt hỗ trợ ASXH trong bối cảnh dịch COVID-19 đều là những tỉnh tự chủ về ngân sách như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu, Hà Nội, Bắc Giang, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Long An.

Đưa ra khuyến nghị nhằm khắc phục những bất cập trên, chuyên gia Viện Khoa học Lao động và Xã hội Hà Nội khuyến nghị, quá trình lập ngân sách cho năm 2022, các cơ quan chức năng cần tăng cường chương trình trợ cấp tiền mặt với ngân sách đủ lớn (kinh nghiệm quốc tế là khoảng 45% GDP hàng quý), thực hiện càng sớm càng tốt (chuẩn bị ứng phó với những làn sóng COVID-19 trong năm 2022.

Cùng đó là tiếp cận theo cách phổ cập nhóm (ví dụ, hộ có trẻ em, hộ có người già, người khuyết tật) và mức hỗ trợ tiền mặt phải đạt“mức sống tối thiểu” (tham chiếu theo chuẩn nghèo của Chính phủ quy định) và thời gian hỗ trợ tiền mặt tương ứng với thời gian cách ly/giãn cách cộng đồng.

Đồng thời, đảm bảo ngân sách để chính sách được thực hiện đồng đều ở các địa phương. Chính sách hỗ trợ ASXH của Chính phủ cần coi việc chi đảm bảo ASXH là khoản chi đầu tư phát triển, hoặc đưa vào chính sách thường xuyên hơn là sử dụng Quỹ Dự phòng. Trong tương lai, cần có ASXH để đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội bền vững.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm