Điện gió ngoài khơi: Triển khai ngay mới đạt mốc quy hoạch
Đến năm 2030, Việt Nam có thể đưa vào vận hành 10 GW điện gió ngoài khơi / Hội thảo Quản lý điện gió ngoài khơi và Chuỗi cung ứng
Thách thức lớn
Hội thảo được tổ chức bởi Viện Năng lượng, Bộ Công Thương và Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), nhằm làm rõ hơn về lộ trình phát triển, quy hoạch điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII. Nhận diện, làm rõ và chia sẻ khuyến nghị đối với các yếu tố quan trọng trong lộ trình hiện thực hóa điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của năng lượng tái tạo trong hệ thống điện quốc gia, ông Trần Kỳ Phúc, Viện trưởng Viện Năng lượng cho biết: Từ các chủ trương, định hướng lớn của Chính phủ, dự thảo Quy hoạch điện VIII đã được hoàn thiện, thông qua bởi Hội đồng thẩm định và đã trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2022 chờ phê duyệt.
Trong đó, quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo được chú trọng, với tổng tỷ trọng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) trong hệ thống điện quốc gia năm 2030 đạt xấp xỉ 22%.
Đặc biệt, điện gió ngoài khơi được dự kiến quy hoạch phát triển khoảng 7.000 MW đến năm 2030; 16.000 MW vào năm 2035 và hơn 36. 000 MW vào năm 2045.
Cũng theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng tiềm năng ước đạt khoảng gần 400.000 MW.
“Nguồn điện gió ngoài khơi được quy hoạch phát triển với quy mô lớn do có tiềm năng kỹ thuật tương đối tốt trên phạm vi các vùng lãnh hải của cả nước. Điện gió ngoài khơi có đặc tính kỹ thuật vượt trội so với các nguồn điện mặt trời và điện gió trên bờ. Tuy nhiên, loại hình nguồn điện này chưa có kinh nghiệm phát triển ở Việt Nam”, ông Phúc nói.
Do tính chất đặc thù về kỹ thuật và công nghệ, quy mô đầu tư lớn, quy trình và thủ tục đầu tư phức tạp, việc hiện thực hóa lượng công suất dự kiến quy hoạch 7.000 MW đến năm 2030 thực sự là thách thức rất lớn.
Cần triển khai ngay
Theo Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo Phạm Nguyên Hùng, Luật Điện lực đang được sửa đổi là đột phá của Chính phủ, thực hiện xã hội hóa cho phép tư nhân tham gia đầu tư lưới điện truyền tải. Trên thế giới, việc cho phép tư nhân tham gia đầu tư lưới điện truyền tải là rất ít, đây cũng là quyết tâm của Đảng và Chính phủ Việt Nam.
Tuy nhiên, sau khi có Luật sửa đổi, việc ban hành Nghị định, hướng dẫn cũng rất quan trọng. Bộ Công Thương đã họp với các đơn vị, góp ý kiến cho các văn bản hướng dẫn.
Hiện nay, một số nhà đầu tư tư nhân đã tham gia đầu tư lưới như Trung Nam, Xuân Thiện... Nhưng trục xương sống truyền tải liên miền, liên vùng vẫn phải do Nhà nước, còn lại các nhánh đấu nối từ các trung tâm nguồn điện, hoặc vị trí không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng thì có thể xem xét, hướng dẫn tư nhân đầu tư.
“Để thực hiện dự án điện gió ngoài khơi mất từ 7 - 8 năm. Như vậy, thời điểm này chúng ta phải bắt tay vào triển khai mới có thể đạt được mốc quy hoạch đến năm 2030. Các công việc cần làm như Quy hoạch Điện VIII sớm được phê duyệt, hiện Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quy hoạch. Sau đó, đến kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, Bộ Công Thương cũng phải chuẩn bị. Nếu kế hoạch triển khai chậm sẽ làm giảm hiệu quả của Quy hoạch điện”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hùng, khung pháp lý về điện gió ngoài khơi có chu trình đầu tư khác biệt rất nhiều so với điện gió trên bờ, phạm vi quản lý biển dưới 6 hải lý thì thuộc cấp tỉnh, nhưng trên 6 hải lý là phải cấp cao hơn, đây cũng là vấn đề cần "hóa giải".
Ông Stuart Livesay, Giám đốc quốc gia Việt Nam, Tổng Giám đốc Dự án điện gió La Gàn chia sẻ: Việt Nam đặt mục tiêu 7.000 MW đến năm 2030, nhưng mục tiêu đó triển khai như thế nào, lộ trình, hợp đồng mua bán điện ra sao? Nếu không có sự đảm bảo nhất định thì sẽ rất khó để thực hiện.
“Khi nói đến đầu tư dự án điện gió ngoài khơi, các khâu từ lựa chọn dự án, khảo sát, đầu tư xây dựng đều rất phức tạp và cần nguồn vốn lớn. Tất cả các công việc đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện trước 2030 và phải làm tuần tự. Để tránh các rủi ro tiềm ẩn, Việt Nam cần sớm có các quy hoạch liên quan, hướng dẫn chi tiết để doanh nghiệp sớm định hướng, triển khai”, ông Stuart Livesay nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo