Doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều hạn chế để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm
DNVN - Đây là một trong những ý kiến được đưa ra tại Hội thảo “Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước theo nguyên tắc thị trường” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 29/1/2021, tại Hà Nội.
Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp khoa học công nghệ / Tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Tại hội thảo, trình bày báo cáo "Nâng cao quyền tự chủ của doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh mới" của CIEM, ông Phạm Đức Trung - Trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp (CIEM) khẳng định, một trong những điều kiện tiên quyết để quản trị tốt là doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) phải có đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sản xuất kinh doanh.
Từ năm 2019 - 2020, DNNN Việt Nam gồm DNNN đa sở hữu và DNNN 100% vốn nhà nước. Trong đó, với DNNN đa sở hữu, pháp nhân DN có đầy đủ quyền tự chủ; chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của DN theo quy định của Luật DN. Với DNNN 100% vốn nhà nước, phân chia quyền định đoạt tài sản của DN giữa chủ sở hữu nhà nước và pháp nhân DN theo quy định của hệ thống Luật 69.
Theo đánh giá của ông Phạm Đức Trung, hiện, cơ quan nhà nước quyết định nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước như: Quyết định quỹ tiền lương, thù lao hằng năm của người quản lý; phê duyệt việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Tổng giám đốc, Giám đốc.
Báo cáo của CIEM cũng cho thấy, khi so sánh với thông lệ quốc tế phổ biến, ở Việt Nam vẫn có những hạn chế và khoảng cách lớn trong tạo lập các điều kiện để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước theo nguyên tắc thị trường.
Ảnh minh họa. (Nguồn: NCĐT)
Ông Trung cho rằng, rất khó áp dụng cơ chế thị trường để đào thải doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ, yếu kém. Nhiều DNNN thuộc diện bị giải thể, phá sản nhưng vẫn được hỗ trợ dưới nhiều hình thức để tiếp tục tồn tại. Trong khi đó, lãnh đạo DNNN cũng có thể được bảo vệ khỏi 2 yếu tố trừng phạt, được coi là thiết yếu đối với lãnh đạo điều hành trong các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, đó là khả năng bị thâu tóm và khả năng phá sản.
Đề cập về nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Bá nhấn mạnh đến vấn đề lợi ích nhóm và chế tài.
"Nguyên nhân lợi ích nhóm còn khá nặng nề ở Việt Nam, là nguyên nhân quan trọng khiến người ta không muốn trao quyền cho DNNN để dẫn đến hậu quả nặng nề. Ngoài ra, chế tài của ta không nghiêm, việc thực hiện chế tài lại càng không nghiêm. Ví dụ, xây nhà trái phép phạt 20 triệu đồng là xong. Thu lợi hàng tỷ mà phạt chỉ 20 triệu. Hơn nữa, chúng ta không có cơ chế cho người dám nghĩ dám làm, dám đổi mới sáng tạo", chuyên gia Lê Xuân Bá nói.
Giải pháp nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN
Đề cập tới giải pháp nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN trong thời gian tới, ông Phạm Đức Trung cho biết, yếu tố tiên quyết là nâng cao tính minh bạch của DNNN. DNNN cần có báo cáo cho Nhà nước và công chúng (cả thông tin tài chính và thông tin phi tài chính) đáp ứng chuẩn mực công bố thông tin quản trị công ty theo thông lệ quốc tế.
Báo cáo tài chính năm của DNNN phải được kiểm toán độc lập theo tiêu chuẩn chất lượng cao. Sự minh bạch liên quan đến kết quả tài chính và phi tài chính của DNNN chính là chìa khóa cho việc tăng cường trách nhiệm của hội đồng quản trị và ban điều hành của DNNN.
Ngoài ra, tăng cường kỷ luật tài chính và kỷ luật ngân sách đối với DNNN là một trong những khuyến nghị quan trọng khác.
"Các vấn đề vướng mắc chủ yếu xảy ra đối với DNNN 100% vốn nhà nước. Do vậy, giải pháp quan trọng đầu tiên chúng tôi kiến nghị là chuyển DNNN thành công ty cổ phần. Đây là biện pháp quan trọng nhất để nâng cao quyền tự chủ của DN.
Tuy vậy, vẫn còn tranh luận về đối tượng cổ phần hóa giai đoạn 2021 - 2025. Có 2 quan điểm: Một là, toàn bộ DNNN hoạt động kinh doanh chuyển thành công ty cổ phần. Hai là, Tổng công ty và DNNN quan trọng cần phải được Nhà nước quản lý chặt chẽ", ông Trung nêu.
Theo ông Trung, cần sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp theo hướng áp dụng triệt để nguyên tắc chiếm hữu, sử dụng định đoạt tài sản thuộc sở hữu doanh nghiệp, giảm sự can thiệp của Cơ quan Nhà nước vào sản xuất kinh doanh…
Trong khi đó, chuyên gia Lê Xuân Bá đưa ra 3 giải pháp chính để nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN. Một là, giảm số lượng DNNN. Hai là, nên lấy hiệu quả tài chính làm thước đo quan trọng nhất để đánh giá DNNN làm tốt hay không tốt, chứ không phải là hiệu quả KT - XH. DNNN mà làm ăn thua lỗ thì cho dừng. Ba là, áp dụng chế tài nặng và kỷ luật nghiêm minh.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo