Chính sách

Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia 2021-2030: Chưa đề cập đến năng lượng nguyên tử

DNVN - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho rằng, dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 chưa đề cập đến năng lượng nguyên tử, bởi vậy, nên hướng tới chủ trương nghiên cứu để tham mưu định hướng việc sản xuất và sử dụng năng lượng nguyên tử, gắn với mục đích phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Doanh nghiệp ứng dụng năng lượng nguyên tử có doanh thu hàng trăm tỷ đồng / Đà Nẵng: Địa phương đầu tiên đánh giá công tác thực thi Luật Năng lượng nguyên tử

Ngày 5/8, VUSTA đã tổ chức hội thảo “Góp ý Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Nội dung góp ý bao gồm định hướng và tổ chức không gian phát triển các ngành hạ tầng kỹ thuật; góp ý làm rõ quan điểm, mục tiêu, phương hướng phát triển các ngành kỹ thuật.

Tại hội thảo, VUSTA đánh giá cao chất lượng nội dung dự thảo các ngành hạ tầng kỹ thuật trong Báo cáo tổng hợp “Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Hội thảo “Góp ý Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Bên cạnh những mặt đạt được, dự thảo quy hoạch vẫn còn một số hạn chế, đó là chưa nêu tên và trích dẫn các văn bản pháp quy liên quan đến quy hoạch từng ngành, lĩnh vực gắn với quy hoạch tổng thể.

Chưa nêu phương pháp quy hoạch tích hợp hay phương pháp tích hợp quy hoạch được sử dụng trong quy hoạch tổng thể quốc gia cũng như chưa dự kiến nhu cầu sử dụng quỹ đất, nhu cầu về vốn, các hình thức huy động vốn, yếu tố nguồn nhân lực hay các giải pháp về chính sách phù hợp vưới trình độ phát triển kinh tế-xã hội và khả năng đáp ứng của Việt Nam.

Đối với mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, theo VUSTA, quy hoạch của ngành giao thông vận tải là một trong số ít quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi Luật quy hoạch ra đời, trong đó có quy hoạch đường bộ, quy hoạch đường sắt, quy hoạch hệ thống cảng hàng không và sân bay quốc tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, quy hoạch cảng biển.

Việc xây dựng dự thảo quy hoạch tổng thể quốc gia đối với mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đã tương đối thống nhất với quy hoạch của ngành giao thông.

Tuy nhiên, trong dự thảo chưa thể hiện sự tích hợp quy hoạch của ngành giao thông với các ngành khác như tài nguyên môi trường, ngành xây dựng vào quy hoạch tổng thể; chưa thể hiện sau khi quy hoạch tổng thể quốc gia được phê duyệt thì quy hoạch của ngành giao thông có tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch quốc gia hay không.

Để đảm bảo sự kết nối, phát triển hợp lý giữa các phương thực vận tải, dự thảo nên đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và 2050 đối với từng phương thức vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không để đảm bảo các phương thức vận tải này được phát triển đồng bộ và hài hòa với mạng lưới đường bộ.

Bên cạnh đó, cần cân nhắc, bổ sung quy hoạch mạng lưới giao thông vận tải có sự hài hòa và kết nối giữa các vùng kinh tế như các vùng: Vùng Đông Bắc và Tây Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ, vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Đối với hạ tầng năng lượng, Quy hoạch điện VII xác định mục tiêu ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...) cho sản xuất điện.

Do vậy, dự thảo quy hoạch cần nhấn mạnh ưu tiêu cho việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo và việc làm chủ công nghệ mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong phát triển nhiệt điện than.

“Dự thảo quy hoạch chưa đề cập đến năng lượng nguyên tử, là một trong những loại hình năng lượng mới, đang có nhiều ý kiến khác nhau. Nên chăng, dự thảo quy hoạch nên hướng tới chủ trương nghiên cứu để tham mưu định hướng việc sản xuất và sử dụng năng lượng nguyên tử, gắn với mục đích phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an toàn sức khỏe, môi trường và an ninh năng lượng”, VUSTA đề xuất.

Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm