Chính sách

Gỡ khó cho các tổ chức tín dụng

DNVN - Nghị định 99/2022/NĐ-CP quy định nhiều nội dung mới tác động tích cực đến hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), góp phần giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức trong quá trình đăng ký biện pháp bảo đảm.

Hỗ trợ DN nhưng không được phá vỡ các tiêu chí về an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng / Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: “Sau khó khăn của doanh nghiệp và người dân sẽ là khó khăn của các tổ chức tín dụng”

“Hội nghị triển khai Nghị định 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm”, sáng 9/2 đã phổ biến các nội dung của Nghị định 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm tới tất cả các TCTD từ hội sở chính đến chi nhánh của các TCTD hội viên trên toàn quốc.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, hoạt động cấp tín dụng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, do đó, các biện pháp bảo đảm được áp dụng tương đối phổ biến để phòng ngừa và dự phòng rủi ro.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, biện pháp bảo đảm không phải là điều kiện bắt buộc khi cấp tín dụng, nhưng là một trong các yếu tố quan trọng để TCTD đánh giá, quyết định cấp tín dụng cho khách hàng. Vì vậy, các TCTD thường yêu cầu người vay phải có TSBĐ cho số tiền vay.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các quy định về đăng ký biện pháp bảo đảm tại Nghị định 102/2017/NĐ-CP và thực tiễn áp dụng pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản; văn phòng đăng ký đất đai) thời gian qua cho thấy vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế nhất định, dẫn đến khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình thi hành.

Để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập nêu trên, đồng thời để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, bao quát được sự thay đổi trong quy định của pháp luật liên quan, việc xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định 102/2017/NĐ-CP là hết sức cần thiết.

Nghị định 99/2022/NĐ-CP tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai số hóa hồ sơ, thủ tục liên quan đến hoạt động nhận bảo đảm, đăng ký biện pháp bảo đảm tại các TCTD.

Sau thời gian nghiên cứu và lấy ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan, trong đó VNBA và các TCTD đã rất tích cực, chủ động, bám sát các nội dung quy định liên quan đến ngân hàng để tham gia góp ý nhiều vòng, ngay từ khi bắt đầu soạn thảo đến trước khi Nghị định được trình Chính phủ ban hành đã giúp cơ quan soạn thảo hoàn thiện Nghị định phù hợp thực tiễn hoạt động của các TCTD hiện nay.

Ngày 30/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 99/2022/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm (hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2023) thay thế Nghị định 102/2017/NĐ-CP.

Nghị định 99/2022/NĐ-CP quy định nhiều nội dung mới tác động tích cực đến hoạt động của các TCTD, góp phần giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các TCTD trong quá trình đăng ký biện pháp bảo đảm như: quy định cụ thể đăng ký biện pháp bảo đảm đối với các GDBĐ thực hiện nghĩa vụ của bên thứ ba.

Nghị định cũng quy định tư cách của chủ doanh nghiệp tư nhân trong việc đứng tên người yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm; quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của cơ quan đăng ký trong việc không yêu cầu sửa lại tên hợp đồng bảo đảm, nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp vi phạm nguyên tắc này.

Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai số hóa hồ sơ, thủ tục liên quan đến hoạt động nhận bảo đảm, đăng ký biện pháp bảo đảm tại các TCTD; quy định rõ việc đăng ký đối với bất động sản thuộc quyền sử dụng, sở hữu chung của vợ chồng…

Cũng theo Tổng thư ký VNBA, hội nghị này là hội nghị mở đầu cho một loạt các hội nghị có cùng nội dung mà hiệp hội sẽ tập trung triển khai tới tất cả các đơn vị hội viên cả nước.

Nhấn mạnh về nội dung đáng chú ý của Nghị định 99/2022/NĐ-CP, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp cho biết: Điều 5 về nguyên tắc đăng ký đã bổ sung quy định người yêu cầu đăng ký phải kê khai trung thực và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin kê khai.

“Nghị định quy định cụ thể hơn về phạm vi, trách nhiệm của cơ quan đăng ký như: Thẩm quyền, nhiệm vụ, căn cứ, thủ tục và thời hạn; không làm phát sinh thủ tục khác với quy định của nghị định này; không yêu cầu nộp thêm bất cứ giấy tờ nào hoặc không yêu cầu kê khai thêm bất cứ thông tin nào mà nghị định này không quy định phải có trong hồ sơ đăng ký. Nghị định không yêu cầu sửa lại tên hợp đồng bảo đảm, nội dung thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm”, ông Hải chỉ rõ.

Bà Phạm Thị Thịnh, đại diện Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ: Nghị định 99/2022/NĐ-CP đã bổ sung quy định việc đăng ký đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất phải đảm bảo nội dung được kê khai và các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký phù hợp với thông tin trên Giấy Chứng nhận, thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký.

Trường hợp có thay đổi hiện trạng về thông tin về tài sản khác gắn liền với đất dẫn đến không còn phù hợp với thông tin trên Giấy chứng nhận thì Văn phòng đăng ký đất đai sẽ thực hiện việc đăng ký biện pháp bảo đảm trên cơ sở thông tin về tài sản bảo đảm trên Giấy chứng nhận được cấp và không chịu trách nhiệm về việc đã đăng ký biện pháp bảo đảm đối với tài sản bảo đảm không phù hợp với hiện trạng đã thay đổi.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm