Chính sách

Ông Đoàn Ngọc Tùng: Sau đại dịch, du lịch cần hỗ trợ từ chính sách để hồi phục và phát triển

DNVN - Ngành Du lịch bị ảnh hưởng và tổn thương nặng nề nhất trong đại dịch. Doanh nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn ông Đoàn Ngọc Tùng - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch Unesco Hà Nội để hiểu rõ hơn thực trạng và hướng giải quyết của những người làm du lịch.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 / Đã tháo gỡ biển báo cấm, hạn chế xe tải vào nhà ga hàng hóa sân bay Tân Sơn Nhất

ông Đoàn Ngọc Tùng - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ  Du lịch Unesco Hà Nội.

Ông Đoàn Ngọc Tùng - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch Unesco Hà Nội.

Hiện trạng của ngành du lịch hết sức thê thảm

Thưa ông ngành du lịch là một trong những ngành tổn thương nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19, ông có thể đánh giá tình hình thiệt hại chung của ngành?

Ông Đoàn Ngọc Tùng: Thiệt hại chung của ngành du lịch là hầu hết các khách sạn từ 1 sao đến 3 sao đều đóng cửa từ đầu năm 2020 đến nay, và chưa được mở cửa trở lại được. Các công ty kinh doanh xe du lịch phải bán đi rất nhiều xe, thậm chí phá sản đóng cửa công ty vì không có khách và không có nguồn thu trả lãi ngân hàng. Hướng dẫn viên tìm mọi ngành nghề để kiếm sống. Các công ty lữ hành cắt giảm nhân sự, giờ làm, thậm chí ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, ngành hàng không cũng cùng chung số phận, và họ chịu mức thua lỗ kinh khủng, nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đối với chúng tôi.

Vậy hiện nay các công ty lữ hành và đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch đang gặp phải những khó khăn, bất cập nào, thưa ông?

Sau đợt dịch Covid-19, hầu hết các công ty lữ hành đã tồn đọng một số tiền khá lớn cho các series booking và các đường bay quốc tế. Vì vậy, khi dịch đã tạm thời bị khống chế, dịch vụ du lịch hồi sinh vào tháng 5 đến tháng 7 thì mọi người trong ngành đã dốc hết tâm sức, kinh tế để đầu tư vào các sản phẩm du lịch nội địa nhằm gỡ lại những tổn thất sau thời gian dài đóng băng… Nhưng đợt dịch Covid-19 thứ hai ập đến đột ngột, bất ngờ khiến các công ty du lịch không kịp xoay xở, và một lần nữa tiền nợ đọng ở các series booking, vé nội địa, và các khách sạn 5 sao không cho hoàn tiền mà chỉ đổi ngày. Chính sách này giống chính sách của các hãng hàng không.

Trong khi các khách hàng thì hủy tour và đòi lại tiền. Tất nhiên tiền khách hàng thì không thể không trả lại được, một lần nữa các công ty lữ hành bị tồn đọng một số tiền lớn, đang trong tình trạng lao xuống vực thẳm. Nói chung là hiện trạng của các doanh nghiệp du lịch hết sức thê thảm.

Đoàn tầu của Liên minh du lịch Unesco Hà Nội đến Quảng Bình hồi chưa bùng phát dịch Covid-19 lần 2.

Đoàn tầu của Liên minh du lịch Unesco Hà Nội đến Quảng Bình hồi chưa bùng phát dịch Covid-19 lần 2.

Hiện vẫn chưa có đánh giá tổng thể về mức độ thiệt hại của ngành du lịch do Covid-19, nhưng với con số gần 80% công ty lữ hành đóng cửa, ông có suy nghĩ gì?

80% doanh nghiệp du lịch đóng cửa vì không có khách, một phần tuân thủ quy định chống dịch của Chính phủ. Còn lại một số doanh nghiệp mở cửa chỉ là cố cầm nhân viên ở lại làm, tạo công ăn việc làm cho nhân viên, như chỉnh sửa sản phẩm, chăm sóc web, đi buôn nông sản. Nhưng tình hình này sẽ không kéo dài được lâu vì tất cả các công ty du lịch giờ này đi làm cũng chỉ nhận được đồng lương bằng 30-50% và chỉ mang tính tạm thời.

Vậy thưa ông, câu chuyện hiện tại ngành du lịch cần có giải pháp cấp bách là gì?

Trước mắt, các công ty đang phải thắt lưng buộc bụng, xây dựng những sản phẩm với giá thành hấp dẫn nhưng chỉ mang tính chất ngắn hạn và tạm thời. Có một số công ty triển khai thêm một số ngành nghề kinh doanh khác để tạo công ăn việc làm cho nhân viên, cũng để giữ chân nhân viên và cũng hy vọng đại dịch nhanh chóng được khống chế để tiếp tục hâm nóng môi trường và tâm lý của du khách.

Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành cần xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp, ví dụ như ngân hàng giảm lãi suất cho vay, chính sách thuế và bảo hiểm được gia hạn. Hiện tại, các doanh nghiệp du lịch đã hỗ trợ như chỉ đạo của Thủ tướng hay chưa?

Tuy chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã có hiệu lực, các ngân hàng đã có chính sách giãn nợ và giảm lãi suất, bảo hiểm cũng cho nợ đóng dồn vào cuối năm, thuế cũng đã có những chính sách hỗ trợ nhưng thực tế cũng chỉ là kế sách trước mắt.


Kế sách để vượt qua đại dịch

Theo ông thời điểm hiện tại và sau khi dịch bệnh bị đẩy lùi ngành du lịch và đặc biệt Câu lạc bộ Du lịch Unesco đã có những kế sách gì để vượt qua thời kỳ hậu Covid-19? Và ông có thể kể những việc làm thành công ngoạn mục trong thời kỳ hậu Covid -19?

Ngành du lịch và dịch vụ luôn gắn kết cùng nhau và cũng thương thảo với nhau để đưa ra những chính sách kích cầu giá. Những sản phẩm hấp dẫn từ chất lượng dịch vụ cho đến giá cả để thúc đẩy nhu cầu du lịch của mọi người sau một thời gian dài “đóng băng”. Về phần Câu lạc bộ du lịch Unesco đã rất thành công trong một số chương trình khảo sát và xây dựng tuyến điểm mới. Nhằm xây dựng tuyến điểm mới, đa dạng hóa sản phẩm du lịch nội địa, triển khai các liên minh du lịch nội địa kết hợp kết hợp với các gói kích cầu của các hãng hàng không và một số hệ thống khách sạn 4 sao, 5 sao.

Trong đó, điển hình có chuyến khảo sát Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình kết hợp với du lịch và Trung tâm Xúc tiến của các địa phương, chúng tôi đã tổ chức thành công với gần 100 doanh nghiệp hội viên tham gia. Đây cũng là tiền đề cho Liên minh du lịch kích cầu đến Quảng Bình với trên vài chục doanh nghiệp tham gia… Liên minh du lịch đã kết hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, thuê riêng 7 chuyến tàu hỏa đi Quảng Bình, chương trình này rất thành công, chỉ trong vòng 45 này, liên minh đã nhận khách tour cho 7 chuyến tàu và thực hiện thành công 3 chuyến, nhưng tiếc là đến chuyến 30/7 trở đi bắt buộc phải hủy tất cả các chuyến còn lại do dịch bệnh bùng phát lần 2. Đó là tổn thất không nhỏ cho chúng tôi.

Vậy ông có tin tưởng ngành du lịch sẽ hồi phục nhanh chóng sau đại dịch?

Đương nhiên là một người làm du lịch trên 20 năm và luôn gắn với nghề thì tôi vẫn tin tưởng và mong muốn ngành du lịch sẽ hồi phục nếu có sự hỗ trợ của Chính phủ. Chúng tôi rất cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa về cơ chế, chính sách để kích cầu ngành du lịch phát triển sau đại dịch. Còn hiện tại, theo tôi những địa phương không có dịch cần có chính sách khyến khích du lịch trong tỉnh, miễn sao phải đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch và có một phần thu nhập để duy trì doanh nghiệp.

Xin cám ơn ông!

Đinh Loan (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm